MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 09: Không còn "cửa hẹp để lách"

31-03-2014 - 11:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian tới, một điều chắc chắn là các TCTD sẽ phải trích bổ sung dự phòng rủi ro và phải hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước nhiều ý kiến phản hồi về việc Thông tư 09 sẽ làm chậm tiến độ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và không thể hiện rõ bức tranh nợ xấu của nền kinh tế, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phản hồi lại việc này và nhấn mạnh: "Thông tư 09 của NHNN hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế, không hề làm chậm mà thậm chí còn tạo nên sức ép phải đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngân hàng".

Theo cơ quan Thanh tra Giám sát, với cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm theo Thông tư 09 vừa ban hành, đã có những quy định chặt chẽ hơn so với cơ chế theo Quyết định 780 thực hiện thời gian qua. Thực trạng nợ của các TCTD cũng sẽ được phản ánh đầy đủ, đúng hơn trong thời gian ngắn.

"TCTD có thể chưa phải trích ngay số tiền dự phòng rủi ro cho những khoản nợ được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sẽ có thêm điều kiện về nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ DN ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng trong thời gian tới, một điều chắc chắn là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải trích bổ sung dự phòng rủi ro và phải hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành", cơ quan thanh tra giám sát nhấn mạnh thêm.

Chặt chẽ hơn về điều kiện cơ cấu nợ

Theo cơ quan Thanh tra Giám sát, việc điều chỉnh cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là nội dung có nhiều thay đổi cơ bản nhất của Thông tư 09.

Cụ thể, khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm các quy định của pháp luật; Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả nợ hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng được quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn để thành khoản nợ trung hạn, dài hạn.

Ngoài ra, Thông tư 09 yêu cầu TCTD phải bảo đảm đã ban hành quy định nội bộ để kiểm soát, giám sát đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngăn ngừa lợi dụng việc này để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. TCTD cũng phải kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ, định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo NHNN về tình hình cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo đại diện NHNN, nhiều TCTD đánh giá Thông tư 09 là rất chặt chẽ, không còn "cửa hẹp để lách" và từ đó, trong thời gian ngắn sẽ được phản ánh đầy đủ, đúng thực trạng.

Sẽ thuê kiểm toán độc lập

Cơ quan Thanh tra Giám sát cũng cho biết trong năm nay, NHNN sẽ thực hiện thanh tra toàn diện pháp nhân đối với các TCTD, trong đó tập trung thanh tra chất lượng tín dụng, nợ xấu và đặc biệt là các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ thực hiện việc thuê các tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các TCTD theo nội dung yêu cầu của NHNN, trong đó có việc kiểm toán chất lượng tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN cũng bổ sung quy định về việc xử lý đối với các TCTD có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định và một trong các chế tài xử lý là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn, hạn chế một số hoạt động hoặc hạn chế việc mở rộng địa bàn hoạt động (mở chi nhánh).

"Nếu vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn (như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn…) thì các TCTD sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể", cơ quan Thanh tra Giám sát nhấn mạnh.

Cơ quan Thanh tra Giám sát cho biết để bảo đảm tính chính xác của việc phân loại nợ đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, Thông tư 09 cũng bổ sung quy định yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại khoản nợ vi phạm pháp luật, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất trong trường hợp những khoản nợ này có thể được phân loại vào các nhóm nợ có mức độ rủi ro khác nhau.

Trên cơ sở kết quả giám sát chất lượng tín dụng, ngày 25/3/2014, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu từng ngân hàng phải rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu theo tiêu chí quy định tại Thông tư 02 để xây dựng, báo cáo NHNN kế hoạch bán nợ xấu trong năm 2014 và kế hoạch bán nợ xấu cụ thể từng tháng cho VAMC.

Vậy nhưng, xem ra công cuộc bán nợ cho VAMC không đơn giản. Theo kế hoạch, quý I/2014, VAMC sẽ mua 7.000 - 10.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thành viên VAMC, cho biết dự kiến trong quý I/2014, VAMC sẽ mua khoảng 3.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Nguyên do, đến thời điểm này do một số khoản nợ của các ngân hàng chuyển sang đăng ký bán, chưa đảm bảo yêu cầu quy định nên VAMC tạm gác lại chưa mua.


Theo Huệ Văn

hangnt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên