Thù lao sếp ngân hàng, bao nhiêu mới đủ?
Năm qua, có đến quá nửa các ngân hàng không chi một xu cổ tức cho cổ đông, nhưng thù lao các sếp vẫn nhận đủ, nhận vượt cả nghị quyết đã phê chuẩn thậm chí xin thêm trong năm 2015, đã gây bức xúc lớn đến các cổ đông.
- 01-05-2015Sếp ngân hàng nhận thù lao hơn 4 tỷ đồng/năm
- 28-04-2015Cổ tức bèo, thù lao “khủng”
- 16-04-2014Ngân hàng Phương Nam: Cổ đông bức xúc về thù lao của HĐQT
Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của các ngân hàng cuối cùng cũng khép lại sau thời gian dài trì hoãn của những cái tên DongABank và Eximbank. Và cũng đúng như những gì đã được tiên đoán trước, câu chuyện về cổ tức 0 đồng và thù lao tiền tỷ của các sếp ngân hàng lại trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt.
Cổ đông truy vấn thù lao lãnh đạo
Cùng nỗi bức xúc như cổ đông của những ngân hàng Maritime Bank, SCB, SouthernBank, ABBank, … cổ đông DongABank, Eximbank rầu lòng bởi tiền của họ đổ vào trong thời gian qua là công cốc khi không nhận được một đồng cổ tức nào. Trong khi đó, nếu đem gửi ngân hàng mỗi năm cũng nhận một khoản lãi từ 5-7%.
Lý do chung các ngân hàng “xin khất” cổ tức là do tình hình kinh doanh đi xuống, do trích lập dự phòng rủi ro cao ăn mòn lợi nhuận, hoặc ngân hàng muốn giữ lại làm “của để dành” để phục vụ kế hoạch đường dài.
Trong khi đó, nhìn sang thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát vẫn nhận tiền tỷ mỗi năm.
Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank phân trần việc không chia cổ tức với các cổ đông, rằng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank đạt 1.940 tỷ đồng nhưng phải dùng hầu hết để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất đến cuối năm 2014 chỉ còn 69 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 3,8% kế hoạch.
Tuy nhiên điều đáng chú ý, năm 2014 tổng mức duyệt thù lao cho các lãnh đạo là 1,4% trên tổng lợi nhuận. Kết quả kinh doanh là 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, như vậy thù lao cho các sếp chỉ ở mức 780 triệu đồng, nhưng thực chi lại lên tới 33 tỷ đồng.
Trả lời chất vấn, lãnh đạo Eximbank cho biết việc tạm ứng cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát vượt con số đó sẽ được hoàn ứng theo tiêu chuẩn. Cụ thể, sẽ thu hồi và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc chi vượt quá mức thông qua, sẽ đề nghị những người nhận quá mức phải trả lại cho cổ đông.
Tương tự, các cổ đông của Dong A Bank tỏ thái độ bức xúc về việc 2 năm qua, Dong A Bank không chi trả cổ tức. Cổ đông cho rằng tiền ngân hàng là tiền của cổ đông đóng góp trong khi lương thưởng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hưởng còn cổ đông không có cổ tức.
Chính vì điều này đã khiến cho cổ đông nản lòng. Đó cũng chính là lý do vì sao Dong A Bank phải hủy kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng vừa qua trước khi CTCP Kinh Đô (KDC) nhảy vào.
Southernbank cũng là gương mặt điển hình cho việc khất cổ tức triền miên. Bốn năm liên tiếp, Southernbank không chia cổ tức đã gặp phải phản ứng gay gắt từ các cổ đông.
Năm 2014, SouthernBank chỉ đạt 17 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành được 2% kế hoạch, nhưng mức thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát vẫn được chi trả 13,7 tỷ đồng, xém đến 80% tổng lợi nhuận của ngân hàng, trong đó chi cho 9 thành viên Hội đồng quản trị là 12,38 tỷ và 3 thành viên Ban kiểm soát gần 1,35 tỷ đồng.
Sếp nào cũng tiền tỷ
Năm 2014, tổng mức thù lao của các sếp Vietcombank là 16,14 tỷ đồng, bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trung bình mỗi sếp được nhận 1,345 tỷ đồng/năm, tương đương 112 triệu đồng/tháng/người. Năm nay, Vietcombank vẫn giữ nguyên mức chi trả thù lao ở mức 0,35% lợi nhuận sau thuế.
Tổng số tiền lương, thù lao năm 2014 chi cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Vietinbank là 18,169 tỷ đồng, bằng 0,32% lợi nhuận sau thuế. Với số lượng thành viên là 12 người, tính trung bình mỗi sếp được nhận 1,514 tỷ đồng/năm.
Năm nay, Vietinbank đã đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 0,04%/ lợi nhuận so với năm trước. Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 5.694 tỷ đồng. Ước tính, thù lao chi trả dự kiến năm nay ở mức 20,498 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của BIDV năm 2014 là 4.992 tỷ đồng. Thù lao cho các thành viên cao cấp của nhà băng này là 0,38% lợi nhuận sau thuế. Tính cụ thể, mỗi sếp của BIDV nhận 1,45 tỷ đồng. Năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44% lợi nhuận sau thuế, cao hơn các nhà băng cùng quy mô.
Một trường hợp trích thưởng khá cao cho lãnh đạo khác là Techcombank. Trong năm qua, lợi nhuận nhà băng tăng hơn 60% và vượt 20% kế hoạch. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát không nhận thưởng thêm, song riêng thù lao cố định cũng chiếm hơn 32,12 tỷ đồng cho 12 thành viên. Năm 2015, với chỉ tiêu lợi nhuận cao hơn nữa, thù lao dự kiến sẽ chi khoảng 33,6 tỷ đồng.
Lấy lý do định hướng ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, Hội đồng quản trị TPBank chủ trương kế hoạch năm 2015 cần có sự đầu tư trong đó ngân sách của Hội đồng quản trị dự trù là 13,125 tỷ đồng cho 11 thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, tăng 35% so với thực hiện năm 2014.
Trong khi đó, duy nhất trường hợp Sacombank, Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank trình cổ đông chấp thuận mức thù lao và chi phí hoạt động cho lãnh đạo năm nay là 40 tỷ đồng, thấp hơn 17 tỷ đồng tương đương gần 30% so với năm trước. Thù lao của Sacombank cao vì năm nay ngân hàng phải thực hiện rất nhiều công việc, đặc biệt là nhận sáp nhập Southern Bank.
Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đầy khó khăn và biến động, khoản thù lao chi trả cho các sếp cao như vậy nhằm khuyến khích Hội đồng quản trị và ban kiểm soát làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên, với hàng loạt sếp ngân hàng vướng vòng lao lý trong thời gian qua, cùng với 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng khiến cổ đông mất trắng, nhiều ngân hàng cắt xén cổ tức lấy lý do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, lợi nhuận ngân hàng đi giật lùi… đều là những yếu tố khiến cổ đông bức xúc và mất dần niềm tin vào các vị thuyền trưởng đang lèo lái ngân hàng.
Với cổ đông, việc lãnh đạo ngân hàng xin mức thù lao cao phải đi kèm với kết quả hoạt động kinh doanh tốt mới thật sự làm yên lòng, chứ không phải là lời xin lỗi và vẫn nhận đủ số tiền khi tình hình kinh doanh liên tục trượt dốc, thậm chí còn xin tăng thêm.
Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn là thù lao của các sếp ngân hàng như thế nào mới đủ? Và tại sao các ngân hàng muốn trả cổ tức cũng phải qua “chốt chặn” Ngân hàng Nhà nước trong khi con số chi trả thù lao cho các sếp thì lại không?