MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí ATM: lại là điệp khúc bảo vệ người yếu thế

21-12-2012 - 08:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc cho phép ngân hàng tự động thu phí rút tiền và trừ vào tài khoản của người rút, dễ khiến người ta liên tưởng kiểu ứng xử của kẻ mạnh, lợi dụng vị thế lệ thuộc của kẻ yếu để chèn ép.

Về mặt kinh tế, trả lương qua tài khoản được coi là một biện pháp thực hiện trong các nỗ lực giảm thiểu sự lệ thuộc vào tiền mặt trong các giao dịch dân sự: người được trả lương không nhận được một cọc tiền bằng giấy, tiền xu mà chỉ bằng một con số được xác nhận trong tài khoản. Muốn chi tiêu, thì cứ ghi nợ vào tài khoản, ngân hàng sẽ chủ động cân đối nợ, có và thông báo cho chủ tài khoản biết.

Có thể từ đó hiểu rằng việc trả lương qua tài khoản chỉ nên được thực hiện đại trà trong điều kiện hệ thống thanh toán qua ngân hàng đã được tổ chức tốt: đi đâu, làm gì cần trả tiền, dù với con số nào, người dân đều có thể dùng thẻ thanh toán mà không gặp trở ngại.

Ở các nước, tỷ lệ số người có thẻ ATM so với số máy rút tiền tự động được bố trí tại các nơi công cộng cũng tương đương với Việt Nam hiện nay. Nhưng số người đến các máy để rút tiền rất ít và hầu như không thấy cảnh xếp hàng rồng rắn trước các máy ATM để chờ rút tiền, dù là trong các dịp lễ, tết. Lý do chính là người ta có nhiều cách thanh toán thuận tiện không dùng tiền mặt, có thể được thực hiện ở khắp nơi: nhà hàng, quầy bán vé xe buýt, xe điện, siêu thị, khách sạn… Các ngân hàng cũng chẳng tội gì để sẵn thật nhiều tiền mặt vào các máy ATM cho người ta rút, do đó, có điều kiện dùng tiền vào các việc khác.

Trả lương cho người lao động qua tài khoản, nhưng hạ tầng thanh toán chưa được cải thiện, vẫn còn dựa phần lớn vào tiền mặt, thì tài khoản, ngân hàng rốt cuộc chỉ là người giữ tiền hộ. Mỗi khi cần chi trả, người có tài khoản trước hết phải làm động tác rút tiền mặt khỏi ngân hàng. Trong hoàn cảnh ấy, chiếc máy ATM, vốn dĩ được coi là nơi cung ứng các dịch vụ ngân hàng tự động đa dạng, trở thành vật đơn thuần làm thay chức năng người phát ngân ngày xưa. Đó cũng chính là thân phận của chiếc máy ATM ở nước ta hiện nay.

Một khi máy chỉ làm nhiệm vụ phát ngân và chi trả thanh toán kiểu gì, bao nhiêu trong dân cư đều phải dùng tiền mặt, thì tự nhiên sẽ phát sinh đòi hỏi bơm tiền mặt cho đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Hệ quả là sẽ luôn có một khối lượng rất lớn tiền mặt phải nằm trong các máy ATM để chờ được rút. Những lúc nhu cầu chi tiêu tăng cao, như vào những kỳ lễ, tết, thì nhu cầu rút tiền cũng sẽ tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải ở các nơi đặt máy mà người ta thường lui tới cùng một lúc, làm cùng một việc là rút tiền, như các khu công nghiệp.

 Nhiều khi ngân hàng không có đủ tiền để bơm cho tất cả các máy, khiến người dân phải loay hoay, vất vả chạy tới, chạy lui tìm máy có tiền để rút. Bị hành vài lần, ngán ngại, mỗi khi thấy máy nào có tiền là người ta tranh thủ rút một lần cho hết mức có thể được. Rốt cuộc, toàn bộ tiền mặt dùng để trả lương cho người lao động đi từ ngân hàng, qua máy ATM, vào tay người lao động: mọi chuyện cũng giống như ngày hôm qua, hôm kia, khi lương chưa được trả qua tài khoản, mà trả ngay tại phòng tài vụ của cơ quan.

Đáng nói là ngày xưa, lương được trả tại phòng tài vụ, thì chi phí tổ chức và vận hành cái phòng đó do cơ quan trả lương chịu, người lao động có quyền nhận đủ số tiền lương theo cam kết chi trả của người sử dụng lao động. Vậy thì, do từ nay người lãnh lương nhận tiền tại máy rút tiền, thay vì tại cơ quan, chi phí mua sắm, lắp đặt và vận hành của mấy cái máy đó phải được coi là chuyện chi phí đầu tư của cơ quan chi trả lương và của ngân hàng; không thể lôi kéo người được trả lương vào chuyện đó, đặc biệt là không thể để nó ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của số tiền lương trả cho họ.

Việc cho phép thu phí rút tiền nội mạng rõ ràng đi ngược lại logic suy nghĩ đó. Trong điều kiện người lao động không có quyền lựa chọn cách thức nhận tiền lương, buộc phải nhận qua tài khoản, thì việc cho phép ngân hàng tự động thu phí rút tiền và trừ vào tài khoản của người rút, dễ khiến người ta liên tưởng kiểu ứng xử của kẻ mạnh, lợi dụng vị thế lệ thuộc của kẻ yếu để chèn ép.

Theo PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

SGTT

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên