MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực trạng hoạt động giám sát an toàn tài chính vĩ mô tại Việt nam thời gian qua

01-01-2015 - 09:22 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại Việt Nam, trong gần 7 năm qua, các trục trặc của nền kinh tế đi cùng với sự bất ổn của hệ thống tài chính đã xuất hiện, đặc biệt là khu vực ngân hàng.

Thật khó để chứng minh rằng khu vực nào là nguyên nhân và khu vực nào là hệ quả của các bất ổn kinh tế - tài chính, song có thể nói rằng các trục trặc kinh tế và bất ổn tài chính hiện nay giống như một nút thắt đan xen, níu kéo nhau và cùng làm giảm sự phát triển của nền kinh tế thực và sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính.

Thị trường tài chính Việt Nam đã có những biến động lớn và nhiều rủi ro hiện nay. Một số bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính liên quan đến giám sát an toàn vĩ mô như cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á (1997), cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc (2003) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) đã cho thấy các cuộc khủng hoảng tài chính đều có chung một đặc điểm, đó là việc quản lý tín dụng và chu kỳ giá cả tài sản, đặc biệt là đối với bất động sản chưa được chú trọng, dẫn đến việc mất cân đối giữa thu nhập và giá cả tài sản và hệ quả là nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình thu nhập thấp không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Qua đó cho thấy vai trò của của các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô chưa được phát huy. 

Tương tự, tại Việt Nam, nguyên nhân trực tiếp và quan trọng của thực trạng bất ổn tài chính hiện nay là chưa có sự giám sát an toàn vĩ mô toàn hệ thống tài chính một cách đầy đủ. Trong thực tế, đã hình thành không ít các tập đoàn tài chính ngân hàng và tập đoàn tài chính phi ngân hàng hoạt động đa ngành, phát sinh nhiều giao dịch phức tạp, tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động cũng như từ các cú sốc bên ngoài. Phương thức giám sát còn bất cập, thiên về giám sát tuân thủ mà chưa chú trọng đúng mức giám sát trên cơ sở rủi ro. Ngoài ra, quyền hạn của các cơ quan giám sát còn hạn chế, nhất là thẩm quyền tiếp cận thông tin và chế tài xử lý vi phạm và giám sát an toàn.

Quy trình giám sát của NHNN chưa tạo được sự phối hợp tốt giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ. Các bước trong quy trình vẫn chú trọng đến hoạt động thanh tra tại chỗ và cụ thể đối với các NHTM mà chưa xây dựng được các báo cáo tổng thể mang tính cảnh báo trong hoạt động của NHTM. Giám sát từ xa còn khó khăn trong việc tổng hợp, thu thập và xử lý thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán chưa được áp dụng rộng rãi, nhất quán và thiếu hiệu lực cao.

Đến nay, nội dung giám sát của NHNN chưa toàn diện, chưa đề cập đến hoạt động quản trị rủi ro trong nội bộ các ngân hàng cũng như việc đánh giá chiến lược quản trị rủi ro của các ngân hàng. Tính chưa toàn diện do các nội dung giám sát chưa được tổng hợp và đánh giá tổng thể đối với toàn hệ thống ngân hàng.

Chức năng giám sát thị trường tài chính được phân nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau, nhưng cơ chế phối hợp lại thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Trong đó, NHNN giám sát các hoạt động tiền tệ - ngân hàng; Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) giám sát thị trường bảo hiểm, UBCKNN giám sát TTCK . Vì vậy rất khó giám sát hữu hiệu các rủi ro chéo do thiếu sự phối kết hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành trong giám sát thị trường tài chính, do các cơ quan này hoạt động độc lập, riêng biệt từng mảng nghiệp vụ khác nhau.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính quốc gia. UBGSTCQG chỉ là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, nên không thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với các định chế tài chính. Việc giám sát các định chế tài chính ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cơ quan giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển tốt hơn.

Theo Báo cáo đánh giá khu vực tài chính Việt Nam của WB đầu tháng 9 năm 2014, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt gần 7% trong các năm qua và thu nhập đầu người tăng gấp 3 lần so với 1986. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã bộc lộ những dấu hiệu khó khăn về tài chính và doanh nghiệp. 

Một vài phân khúc của khu vực doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thấp, gặp khó khăn về tài chính đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Một số doanh nghiệp nhà nước lớn đã mất khả năng thanh toán nợ và một số khác có biểu hiện vay nợ quá mức. Trong khi hệ thống ngân hàng đã tích tụ một lượng lớn nợ xấu, ước tính lên tới trên 12%/tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2012, cao hơn nhiều số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng và vượt ngưỡng an toàn 3%.

Về thị trường cổ phiếu, tuy đã tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn ở giai đoạn sơ khai. Mặc dù, số lượng niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã tăng đáng kể, chủ yếu do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng tổng giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu còn tương đối thấp, chỉ bằng 31% GDP trong năm 2013. Điều này phản ánh thực tế là, các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam hầu như có quy mô nhỏ, còn thị trường trái phiếu có quy mô vừa phải với trái phiếu chính phủ chiếm đa số.

Kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng cũng được đánh giá là đã xấu đi trong những năm gần đây, khi ROA bình quân giảm từ 1,8% năm 2007 xuống 0,49% trong năm 2013. Việc điều chỉnh như vậy đã làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên 12% vào cuối năm 2012 và gần 5% vào cuối năm 2013, làm giảm mạnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của một số ngân hàng. Kết quả kiểm định sức chịu đựng sử dụng các số liệu đã điều chỉnh cho thấy, các ngân hàng có nguy cơ gặp phải rủi ro tín dụng và rủi ro tập trung cao.

Bên cạnh đó, các phân tích bổ sung về khu vực doanh nghiệp niêm yết cũng cho kết quả nhất quán. Rất nhiều ngành kinh tế đang hoạt động kém, đặc biệt là các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, tài nguyên thô và điện nước dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Hơn nữa, mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng với doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong hệ thống.

(Còn nữa...)

TS. Bùi Quang Tín

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên