MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền ở đâu giải quyết nợ xấu?

21-12-2012 - 15:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Cách làm hài lòng dư luận là phải giải trình minh bạch và phải để xã hội hiểu rằng về lâu dài giải quyết nợ xấu là không tốn tiền nhưng để giải quyết lúc đầu, Chính phủ không thể không bỏ tiền ra.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Chính phủ như vậy.

Chính phủ không thể không “ra tay”

Bàn về vấn đề giải quyết nợ xấu, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Văn Quý cho rằng, đã đến lúc Chính phủ phải “ra tay”, bởi không thể sốt ruột hơn khi cứ nhìn dòng tiền trong ngân hàng không thể lưu thông được vì vướng nợ xấu, còn DN thì mỏi mòn chờ nguồn vốn.

Nếu cứ để các NHTM và DN tự xử lý thì thời gian giải quyết nợ xấu sẽ phải kéo dài. Nợ xấu kéo dài thì số lượng DN không có vốn sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo cả nền kinh tế tiếp tục trì trệ. Ông Quý cũng ủng hộ tinh thần không được lấy tiền thuế của dân để giải quyết nợ xấu là rất đúng. Nhưng “nếu Chính phủ không bỏ tiền ra thì không có cách nào có thể giải quyết được nợ xấu”.

Song, trước những băn khoăn, cũng như sức ép của dư luận về việc lấy tiền ở đâu để giải quyết nợ xấu, bàn về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, TS. Vũ Viết Ngoạn chia sẻ: “Trong điều kiện hiện nay, do cân đối ngân sách khó khăn trong khi dư luận xã hội nhìn nhận tiền ngân sách là tiền thuế của dân, nên nếu dùng ngân sách có thể sẽ không được đồng tình của xã hội. Nhưng vẫn còn có cách”.

Ông cho biết, theo kinh nghiệm của các nước, Chính phủ cần bỏ tiền ra “cứu”, bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ để mua nợ. Sau này khi nền kinh tế phục hồi thì tài sản Chính phủ đứng ra mua lại có thể bán đi để thu hồi lại vốn. Theo cách này vừa giúp DN xử lý được khó khăn và khôi phục lại mối quan hệ tài chính tín dụng giữa ngân hàng và DN”, ông Ngoạn tin tưởng.

Ứng xử thế nào trước áp lực xã hội

Có vẻ ngần ngại trước áp lực xã hội nên đến nay, vẫn chưa có một thông điệp nào chính thức được đưa ra từ Chính phủ cho thấy Chính phủ sẽ “ra tay”, mặc dù, khi trình bày tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể hiện sự lo lắng trước tình trạng “nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn”.

Khi đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến việc “tiến trình tái cơ cấu đầu tư, DNNN, thị trường tài chính, NHTM đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn, cần có quyết tâm cao, có nguồn lực cần thiết và lộ trình thích hợp”, nhưng Thủ tướng cũng chưa khẳng định nguồn lực cần thiết này là bao nhiêu và sẽ lấy từ đâu.


Thu, chi ngân sách ĐP và chuyển giao từ TW (1996-2010)

“Khó khăn nhất trong việc giải quyết nợ xấu hiện nay với Chính phủ chính là ứng xử thế nào trước áp lực xã hội”, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Chính phủ. Ông cũng nhắc đến một việc quan trọng Chính phủ cần phải làm, là hãy trả cho DN khoản 91.000 tỷ đồng nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Khoản nợ đọng này khi được hoàn trả sẽ đạt một mũi tên trúng hai đích: vừa trả lại niềm tin cho thị trường vừa là khoản vốn tạo vòng quay cho đồng tiền và như làn sóng sẽ lần lượt giải quyết các khoản nợ khác.

“Nếu tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu thì hết quý II/2013, kinh tế Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực, và năm tới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%” - đại biểu Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân lạc quan. Ông đưa ra kiến nghị: “Chính phủ cần thành lập một Ủy ban giải quyết nợ xấu bao gồm đại diện của NHNN, các bộ Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Công an. Ủy ban giải quyết nợ xấu sẽ hình thành một Công ty mua bán nợ, hoạt động dưới sự giám sát độc lập của các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội”.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng khẳng định quan điểm đồng nhất với các ý kiến đã nêu. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, xử lý nợ xấu cần phải có một chế định gắn với một khung khổ pháp lý đầy đủ sức lực và quyền hạn thực hiện, cùng với một cơ chế minh bạch thông tin, cũng như cơ chế giám sát, hỗ trợ. Đây là các yếu tố không thể tách rời nhau.

Nhưng trong khi nghiên cứu việc thành lập định chế mua bán nợ, trước hết là trả hết khoản mà ngân sách đang nợ DN. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng khẳng định, Chính phủ phát hành trái phiếu để giải quyết nợ xấu sẽ hiệu quả vì từ “khoản vốn mồi” này, sẽ có nhiều những khoản mua bán nợ tiếp theo để giải quyết nợ xấu. “Kinh nghiệm của các nước là Chính phủ phát hành trái phiếu mua 5% số nợ xấu sẽ giải quyết được vấn đề”.

Cách làm hài lòng dư luận là phải giải trình minh bạch và phải để xã hội hiểu rằng về lâu dài giải quyết nợ xấu là không tốn tiền nhưng để giải quyết lúc đầu, Chính phủ không thể không bỏ tiền ra. PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Chính phủ.

Theo Đoàn Mẫn

Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên