Tín dụng “chạy marathon”
Với những gì đang diễn ra, các ngân hàng đều nhận thấy chất lượng tín dụng mới là quan trọng chứ không phải tăng trưởng về số lượng.
Thế nên mới có chuyện, chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,22%, gần bằng với mức tăng tín dụng cả 5 tháng đầu năm cộng lại (tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/5 là 1,31%).
Cụ thể, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%. Chỉ ít ngày sau đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành ngân hàng, NHNN lại đưa ra con số khác, tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,52% so với cuối năm 2013.
Không phải tiếng nói tự thân
Bình luận về con số này, một chuyên gia tài chính cho rằng con số đã cho thấy sự bất ổn và không xuất phát từ tiếng nói tự thân mà chủ yếu chạy đua là chính. Điều này thể hiện rất rõ qua năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, DN. “Đa số những DN cần vốn lại không đủ điều kiện, năng lực để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Một bộ phận nhỏ DN lại không cần vay vốn để làm gì, vì cơ hội kinh doanh vẫn chưa đến”, vị này bình luận.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, với thực tế đó, rõ ràng con số tăng trưởng tín dụng này chủ yếu chảy vào Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Thực tế này cũng được ông Hòe thừa nhận, 6 tháng vừa qua, dòng tiền các NHTM tập trung 90% vào TPCP và tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Điều đó có nghĩa, dòng tiền không đi vào sản xuất thực, đang lòng vòng trong hệ thống ngân hàng. Vậy mức tăng trưởng tín dụng này có thật sự tốt cho nền kinh tế, DN?
Theo vị chuyên gia này, để tăng trưởng tín dụng nói lên được tiếng nói tự thân của nền kinh tế thì NHNN cần phải đánh giá được mức tăng trưởng tín dụng thật được đổ vào sản xuất. Có nghĩa, con số tăng trưởng tín dụng được công bố cần phải chỉ rõ đâu là vốn được đổ vào sản xuất, đâu là vốn được đổ vào TPCP, đâu là tăng trưởng phi tín dụng (vốn đầu tư liên doanh liên kết, đầu tư chứng khoán, cho công ty tài chính vay...).
Vị chuyên gia này bình luận, với một nền kinh tế độc canh tín dụng như Việt Nam, con số tăng trưởng tín dụng sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế. “Hiện nay, tăng trưởng tín dụng của nước ta tương đương với GDP, trong khi các nước khác chỉ khoảng 60% GDP. Do vậy, nền kinh tế không có nhiều hoạt động theo kiểu cho vay mà không phải để cho vay. Đó là những ngành cần được đầu tư và sẽ có hiệu quả cao hơn là đầu tư vào tín dụng, ví như công nghệ chẳng hạn”, vị này bình luận.
Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng cũng cần phải tính đến khả năng trả nợ của DN, khách hàng. Về phía DN, sau giai đoạn phát triển nóng, vay vốn dễ dãi, nhiều DN đang chịu áp lực trả nợ rất lớn.
Hiện nhiều DN đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu để trả nợ vay ngân hàng, ví như Hà Tiên 1 phát hành 120 triệu trái phiếu để cấn trừ công nợ 1.200 tỷ đồng; hay như Kinh Bắc phân phối xong 100 triệu cổ phiếu cho các chủ nợ vào ngày 17/4; rồi Tân Tạo cũng đã phát hành 115,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1.157 tỷ đồng, để cấn trừ nợ...
Bức tranh đó cho thấy, DN đang khó khăn và chưa thể phục hồi, nếu có vốn thì họ cũng chỉ dành để trả nợ là chính chứ chưa đầu tư vào sản xuất. Thực trạng này cũng được giới chuyên gia nhận định không sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm. Điều này cũng phần nào lý giải cho con số nợ xấu của ngân hàng lại tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2014.
Hãy kiểm soát chất lượng tín dụng
Vậy nhưng, ngành ngân hàng vẫn quyết tâm tăng trưởng tín dụng đạt trên 10% và giải pháp đưa ra là cho phép nhiều ngân hàng được cho vay vượt mức quota NHNN cấp. Và để nằm trong danh sách này, các ngân hàng sẽ phải chạy đua giải ngân trong những tháng cuối của quý II.
Ví như Vietcombank. Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank là 6,6%, tương đương mức dư nợ là 292.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến tháng 5/2014, tín dụng tăng trưởng mới chỉ đạt 3,6 - 3,7% (tương đương 284.000 tỷ đồng).
Để có mức tăng trưởng tín dụng này, trong quý II/2014, Vietcombank đã mạnh tay ký một số hợp đồng lớn về cung cấp các khoản vay mới với Đạm Ninh Bình, PV Drilling, Vinacomin và Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng giúp Vietcombank phần nào giảm được áp lực gia tăng của nợ xấu.
Chỉ có điều, không ai biết được chất lượng tín dụng của những hợp đồng theo kiểu “chạy maraton” này như thế nào? Họ chỉ ngầm đoán qua những con số nợ xấu vẫn cứ tăng lên, DN vẫn cứ xoay sở đủ kiểu để trả nợ vay mà không phải bằng năng lực tài chính của mình... Rõ ràng, những rủi ro tiềm ẩn ngày càng lớn, các ngân hàng đang làm đủ kiểu để khỏa lấp tốc độ gia tăng nợ xấu.
Tuy nhiên, “giấy không gói được lửa”, với việc Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 1/6, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh chóng, số lượng ngân hàng có nợ xấu thuộc diện phải bán nợ cho VACM tăng lên theo cấp số nhân.
Với những gì đang diễn ra, các ngân hàng đều nhận thấy chất lượng tín dụng mới là quan trọng chứ không phải tăng trưởng về số lượng. Nếu cứ mạnh tay cho vay rồi lại không trả được nợ, nợ xấu lại tăng thì ngân hàng sẽ rất khó khăn.
Biết vậy, nhưng ngành ngân hàng không vì cái ngắn hạn mà mất đi cơ hội trong dài hạn, bởi khó khăn này được tính là sẽ qua đi và các ngân hàng không muốn chậm hơn so với ngân hàng bạn trong việc được cấp quota tín dụng thấp trong năm tới.
Ngoài ra, một chuyên gia ngân hàng cho biết còn một nguyên nhân nữa, là ở góc độ của ngân hàng, với nguồn thu chính là hoạt động tín dụng thì mức tăng trưởng thấp sẽ tác động trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng thấp cũng làm cho tỷ lệ nợ xấu không những không giảm mà còn có thể tăng lên. Bởi, dư nợ tín dụng thực tăng thấp trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên từ các khoản cho vay trước đây, nên tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không thể giảm.
Theo Huệ Văn