MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng đã tăng trưởng 7,18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,6%

14-11-2013 - 14:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Huy động vốn đã tăng trưởng 14,06%. Lãi suất các khoản vay mới đang trở về ngang mức của giai đoạn 2005 - 2006.

Theo báo cáo của NHNN do Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký tên vừa gửi tới Quốc hội, tính đến 31/10/2013, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 11,6%. Trong đó, huy động vốn VND tăng 14,06% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể, đây là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các TCTD có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng.

Ước cả năm 2013 tổng phương tiện thanh toán tăng 16% so với cuối năm 2012, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 7%, đảm bảo thanh khoản và thể hiện sự thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Về tín dụng, tính đến 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung tăng trưởng cao hơn đối với lĩnh vực ưu tiên.

Báo cáo của NHNN nhận định, thực tế những năm gần đây cho thấy, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý IV (Quý 4/2010 là 9,13%, Quý 4/2011 là 5,44%, Quý 4/2012 là 6,01%). Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012,cùng với các giải pháp đã và đang được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, NHNN tin tưởng rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Về lãi suất, trong 10 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động đã giảm 2 – 3%/năm; lãi suất cho vay giảm từ 3 – 5%/năm. Trong đó, lãi suất các khoản cho vay mới giảm mạnh về mức lãi suất cho vay của giai đoạn 2005 – 2006, lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh.

Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-11,5%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt chỉ từ 6,5-7%/năm.

Tính đến ngày 31/10/2013, dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 29,3%; mức lãi suất từ 10-13%/năm chiếm tỷ trọng 48,65%; mức lãi suất từ 13-15% chiếm tỷ trọng 14,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 7,41%.

Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng và sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành nên tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần từ cuối năm 2012. Đến cuối tháng 9/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống142,33 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20,2%) so với cuối năm 2012, tốc độ tăng bình quân 2,2%/tháng.

Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.

Các TCTD đang tích cực rà soát, lập danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện và chuẩn bị các hồ sơ đề nghị bán nợ cho VAMC. Nhờ đó, mặc dù mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 7/2013 nhưng đến hết tháng 10/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của 14 ngân hàng với số dư nợ gốc 14.019 tỷ đồng và giá mua là 11.119 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.



Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên