MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng đen ở chợ truyền thống- Kỳ I

26-03-2014 - 10:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Thông thường vốn vay tín dụng đen lãi cao hơn ngân hàng từ 10 đến 20 lần nhưng đổi lại thủ tục đơn giản, thậm chí không cần thế chấp.

TP.HCM có 243 chợ truyền thống với hàng vạn tiểu thương đang buôn bán. Hầu hết tiểu thương phải vay vốn để làm ăn nhưng chủ yếu vay của các tổ chức tín dụng đen. Đây cũng là lý do khiến nhiều tiểu thương điêu đứng bởi không chịu nổi lãi cao dẫn đến tán gia bại sản.

Thông thường vốn vay tín dụng đen lãi cao hơn ngân hàng từ 10 đến 20 lần nhưng đổi lại thủ tục đơn giản, thậm chí không cần thế chấp. Một khi dính vào tín dụng đen, bóng đen nợ nần bao trùm lấy họ và không ít người đi vay bị tán gia bại sản.

Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) có 403 sạp nhưng hiện đã có khoảng 150 sạp ngừng kinh doanh, trong đó không ít tiểu thương “bỏ sạp chạy lấy người” vì dính dáng đến tín dụng đen. Một người bán thực phẩm khô ở chợ này vay 145 triệu đồng của một người quen với lãi suất 10%/tháng, tức 120%/năm từ năm 2008. Kinh doanh ngày càng khó khăn, ít khách, lãi mẹ đẻ lãi con nên phải bán nhà để gán nợ và tránh xã hội đen đến hù dọa mỗi ngày.

Chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) có 1/3 trong số hơn 200 tiểu thương phải vay vốn của các tổ chức tín dụng đen của cá nhân hoặc các công ty chuyên cho vay. Cách này dễ dàng trong khâu thủ tục nhưng nghiệt ngã ở khâu trả vì lãi cao và thế chấp tài sản nên rất dễ bị mất nhà.

Bà Trương Thị H, tiểu thương bán thực phẩm khô chợ Bàu Cát kể, tháng 2/2012, bà vay 40 triệu đồng của một người quen để kinh doanh với lãi suất 9%/tháng, vì hàng bán ở chợ ngày càng ế nên đầu tháng 1/2014 bà đã bán sạp chợ để trả nợ.

Việc sử dụng vốn vay ngoài hệ thống ngân hàng rất bất lợi, nhất là dính đến xã hội đen. Đơn cử vào ngày 18/2/2014, Lê Anh Tuấn (tạm trú tại quận Gò Vấp) cùng 4 đồng phạm đã bị công an bắt về hành vi “cho vay lãi nặng”. Bà L (ngụ quận 12) tố cáo Tuấn cho bà vay 3 triệu đồng nhưng bắt ký giấy vay 3,6 triệu đồng, buộc thế chấp giấy tờ cá nhân và góp 120.000 đồng/ngày. Sau khi góp đủ 3,6 triệu đồng nhưng Tuấn buộc đưa thêm 500.000 đồng, bà L không chịu nên tố cáo. Tại nơi trú của Tuấn, công an thu giữ hàng trăm tờ thống kê con nợ góp tiền ngày; 19 tờ rơi quảng cáo quỹ tín dụng cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, 167 hợp đồng vay với tổng số tiền 732 triệu đồng, hơn 100 triệu đồng tiền mặt… Theo Công an quận Gò Vấp, nạn nhân của băng nhóm này đa phần là dân lao động, trong đó có một số tiểu thương phải vay với lãi suất 20%/tháng.

Gần đây, hàng loạt vụ tín dụng đen vỡ nợ qua hình thức chơi hụi khiến hàng trăm tiểu thương mất hết nhà cửa. Mục đích chơi hụi của các tiểu thương là cần một số vốn để làm ăn, lãi chỉ là phần phụ. Tuy nhiên, do không có ràng buộc về pháp lý nên chuyện vỡ hụi và người chơi bị giật mất cả vốn lẫn lãi vẫn xảy ra như cơm bữa tại các chợ.

Tháng 7/2013, hàng trăm tiểu thương chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) bị mất nhà khi bà Nguyễn Thị Oanh tuyên bố vỡ hụi hàng chục tỷ đồng. Người mất ít khoảng 100 triệu đồng, người nhiều hàng tỷ đồng. Cuối năm ngoái, một dây hụi ở khu vực Chợ Lớn vỡ với hơn 20 tỷ đồng, làm cho gần 50 tiểu thương chợ Bình Tây, Soái Kình Lâm, An Đông… chết theo. Một tiểu thương chợ Bình Tây cho biết, bà đã góp hụi hơn 600 triệu đồng, dự định đầu năm 2014 thì hốt hụi nhưng mọi thứ đã trở thành mây khói hết.

Hơn 40 tiểu thương chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn) vỡ hụi 15 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Gái cầm đầu đã khiến nhiều người phải bỏ nghề buôn bán như bà Nguyễn Thị Ngọc (mất 900 triệu đồng), bà Phan Thị Phấn ( 700 triệu đồng), bà Lê Thị Kim Em 320 triệu đồng...

Theo Thế Vĩnh

trangntm

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên