MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Tín dụng mắc kẹt, tăng trưởng khó đạt 6%'

07-04-2012 - 21:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Với mức giảm 2,13% trong quý I, UBGSTCQG cho rằng tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2012 khó đạt con số 15 - 17%. Tốc độ tăng GDP theo đó, cũng chỉ ở mức 5,5 - 5,8%, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trình Chính phủ cuối tháng 3 vừa qua chỉ ra 5 điểm sáng của kinh tế quý một: lạm phát tăng thấp, tỷ giá ổn định, thanh khoản ngân hàng, thị trường chứng khoán được cải thiện và các tổ chức xếp hạng cũng có cái nhìn lạc quan hơn về Việt Nam.

Tuy vậy, cơ quan này cũng bày tỏ cái nhìn hết sức quan ngại đối với khó khăn của doanh nghiệp, mà nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là sự khó khăn về nguồn vốn do lãi suất cao và khó tiếp cận ngân hàng. Mặc dù đã có dấu hiệu giảm kể từ đầu tháng 3 nhưng theo số liệu của Ủy ban Giám sát, chi phí tài chính hiện vẫn là gánh nặng lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp.

Cụ thể, tỷ lệ lãi vay so với giá thành của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng từ 2,93% năm 2010 lên 3,61% vào cuối năm 2011. Tương ứng là tỷ lệ chi phí tài chính so với giá cũng tăng từ 4,72% lên 5,56%. So sánh mặt bằng lãi suất bình quân hiện tại, Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực khoảng 2 - 4 lần. Giả định các yếu tố khác không đổi, giá cả hàng hóa của Việt Nam do đó sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực khoảng 2 - 2,8%.

Cùng với lãi suất cao, sự thận trọng của các ngân hàng thương mại là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì tín dụng 3 tháng đầu năm tăng trưởng “âm” 2,13%, một phần cũng do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm cũng như việc nhiều doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn ngân hàng sau một thời gian dài khó khăn. Ủy ban Giám sát tài chính đánh giá: “Đây thực sự là thách thức lớn đối với nền kinh tế”.

Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế quý một chỉ đạt 4%, thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến cũng kém lạc quan trong khi tồn kho tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2011, chỉ tính riêng các doanh nghiệp niêm yết, lượng tồn kho đã tăng tới 31% so với cùng kỳ 2010.

Khó khăn về sản xuất và bán hàng cũng khiến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp trở nên u ám hơn, dẫn đến tính trạng chiếm dụng vốn trở nên phổ biến. Cũng tính tới cuối năm 2011, các khoản phải thu ngắn hạn của các doanh nghiệp tăng 23% so với cùng kỳ 2010 và tăng 79% nếu so sánh với năm 2009. Kết quả khảo sát trực tiếp của Ủy ban Giám sát tài chính tại các doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị chiếm dụng vốn do đối tác không có khả năng thanh toán.

Từ những phân tích nêu trên, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng nếu cộng thêm yếu tố lạm phát thì mức giảm tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm phải ở mức 4,68%. Như vậy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 - 17% trong năm nay là rất khó xảy ra. Trong điều kiện nền kinh tế còn tăng trưởng phần nhiều bằng vốn thì mức tăng như vậy khó cung cấp đủ nguồn lực để GDP tăng 6 - 6,5% như mục tiêu mà Quốc hội đề ra. “Mục tiêu tăng trưởng 5,5 - 5,8% năm 2012 sẽ có tính khả thi hơn trong điều kiện hiện nay”, cơ quan này dự báo.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính để xuất cân nhắc cơ chế linh hoạt và giải pháp cho vay đối với các doanh nghiệp có tiềm năng, nhưng đang phát sinh nợ quá hạn do chịu tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô. Cơ quan này cũng đề nghị xem xét cho khoanh nợ đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng này, nhưng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết yếu để có đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề xuất việc nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp một cách cơ bản để củng cố thanh khoản nền kinh tế, đánh giá lại giới hạn tín dụng phi sản xuất và xem xét bỏ giới hạn tín dụng đối với tiêu dùng. Về chính sách tài khóa, cơ quan giám sát tài chính cho rằng Chính phủ cần có phương án tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua công cụ thuế, giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có hướng mở rộng hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp quy mô lớn, có khả năng phát triển bằng cách cho vay mới để tái cơ cấu.

Theo Nhật Minh 
Vnexpress

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên