Tín dụng nông thôn vì sao khó tiếp cận?
Từ 25/7/2015, nông dân có thể được vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng không cần thế chấp nhưng thực tế, nông dân chưa dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay này.
- 26-07-2015Cảnh báo tín dụng đen ở nông thôn Tây Nguyên
- 11-06-2015Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 20% tổng dư nợ
- 25-08-2013Vì sao tín dụng đen bùng phát ở nông thôn?
Gắn bó với nghề nuôi thỏ 15 năm nay, chưa bao giờ ông Quang ở Lương Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái cảm thấy cơ hội làm giàu thuận lợi như cách đây hơn một tháng bởi với quy mô hơn 3.000 con giống, gia đình ông sẽ được vay 1 tỷ đồng mà không cần thế chấp. Dự định như vậy nên ông Quang mang hết giấy tờ đất đai đi cầm cố bên ngoài để tăng thêm nguồn vốn đầu tư, mở rộng chuồng trại, nhập thêm con giống... Tuy nhiên, sau một tháng, mọi chuyện không như ông dự tính.
Thực tế tại tỉnh Yên Bái nhiều nông hộ khác cũng đang trong cảnh dở khóc dở cười vì gói tín dụng này.
Theo phổ biến của cán bộ Xã, ông Cầm yên tâm cầm cố sổ đỏ vay vốn bên ngoài để san ủi 500m2 đồi sau nhà làm diện tích chăn nuôi lợn. Mặt bằng đã có nhưng gói vay 1 tỷ từ ngân hàng để làm chuồng và mua con giống vẫn chưa biết bao giờ ông mới được cầm trong tay.
Không chỉ tại Yên Bái, nhiều nông hộ tại các địa phương khác cũng đang còn mơ hồ với gói vốn vay này.
Tương tự ở ĐBSCL, khó khăn lớn nhất với người nuôi trồng thủy sản nơi đây hiện nay chính là thiếu nguồn vốn tái sản xuất. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn đối với bà con là điều không hề đơn giản.
Tính đến thời điểm này, gần như chưa có HTX nào ở ĐBSCL được vay vốn từ Nghị định 55. Nguyên nhân một phần là vì bà con chưa nắm bắt được thông tin, còn lại là do những khó khăn, vướng mắc từ khâu làm thủ tục vay vốn.
Như vậy, quy định đã có nhưng quan trọng là ngân hàng phải làm sao có những hướng dẫn thật cụ thể với nông dân về thủ tục vay vốn, về cách chứng minh phương án kinh doanh. Còn những người nông dân cũng cần phải tìm hiểu thông tin thật cụ thể về thủ tục giấy tờ để được tiếp cận cơ hội vay vốn.