Trần gia trở lại, ACB đã trả nợ được hơn 40 tấn vàng
Tới cuối Quý I, ngân hàng này vẫn còn nợ hơn 8 tấn vàng.
- 06-05-2013Quý 1/2013: ACB lỗ tiếp 84 tỷ đồng từ vàng, tín dụng tăng trưởng 4,2%
- 26-04-2013ACB đã tất toán xong trạng thái vàng
- 26-04-2013ĐHCĐ ngân hàng ACB: 3 người nhà ông Hùng trúng cử HĐQT nhiệm kỳ mới
- 03-04-2013Ngân hàng ACB và công ty Phú Quý là 2 đơn vị trúng thầu mua vàng ngày 28/3
- 21-02-2013Vì sao ACB bốc hơi hơn 100.000 tỷ tài sản?
- 19-09-2012Ông Trần Xuân Giá từ nhiệm, Ông Trần Hùng Huy lên làm chủ tịch HĐQT của ACB
Cuối Quý III năm ngoái, thị trường rúng động khi một loạt các quan chức Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị khởi tố, từ cổ đông lớn giàu tầm ảnh hưởng Nguyễn Đức Kiên tới Tổng giám đốc Lý Xuân hải và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang.
Nhưng cuộc ra đi đồng loạt này cũng đánh dấu sự trở lại của nhà họ Trần sau khi cựu Chủ tịch Trần Mộng Hùng phải rút khỏi HĐQT vào năm 2008. Tới kỳ ĐHCĐ mới đây, nhà họ Trần đã trở lại ngoạn mục với ba vị trí trong HĐQT ACB.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất kể từ khi nhậm chức Chủ tịch của ông Trần Hùng Huy là giải quyết dư nợ vàng hơn 1,3 triệu lượng.
Vàng ACB huy động về từng một thời chủ yếu là để bán ra lấy VNĐ đem cho vay lấy lãi cao trên cả thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp.
Để cân trạng thái vàng, ACB mua vàng kỳ hạn trên tài khoản ở nước ngoài và ghi vào khoản mục tài sản có khác. Cùng kỳ năm ngoái (Quý I/2012), ACB còn khoản phải thu dạng này hơn 38.000 tỷ đồng (hơn 870.000 lượng).
Đến khi NHNN yêu cầu tất toán trạng thái vàng, nhưng lại không cho nhập khẩu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng, ACB đành bấm bụng bán ra số vàng giữ trên tài khoản ở nước ngoài dưới dạng hợp đồng kỳ hạn với giá thấp rồi mang tiền về mua vàng trong nước với giá cao.
Kết quả là năm ngoái ACB lỗ hơn 1.800 tỷ vì vàng.
Đã giải quyết được hơn 40 tấn
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2013 vừa công bố của ACB, nợ phải trả còn lại chủ yếu dưới dạng chứng chỉ tiền gửi bằng vàng vẫn còn 9.355 tỷ đồng, tương đương với hơn 8 tấn (213.000 lượng vàng).
Người viết sử dụng giá vàng SJC mua vào tại ngày cuối cùng của mỗi quý để quy đổi ngược số dư từ VNĐ ra vàng.
So với cuối năm ngoái, nợ phải trả bằng vàng của ACB đã giảm hơn 6.000 tỷ (hơn 120.000 lượng). Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái khi số nợ phải trả bằng vàng của ACB ở mức cao nhất, số dư đã giảm 50.000 tỷ đồng (1,1 triệu lượng hay hơn 40 tấn vàng).
Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu là do ACB tiếp tục thu hồi các khoản cho vay bằng vàng.
So với quý IV/2012, số dư cho vay khách hàng bằng vàng đã giảm gần 3.500 tỷ đồng, từ gần 9.500 tỷ đồng xuống còn hơn 6.000 tỷ đồng.
Tới cuối quý I năm nay (2013), số vàng dạng này chỉ còn không đáng kể (gần 2.500 lượng).
Coi như đã có thể khép lại ở đây
Hồi cuối tháng 1 năm nay, Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn từng tuyên bố ngân hàng ông đã đóng trạng thái và dứt hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng, tuy vậy, dư nợ cho vay vàng vẫn còn khoảng 100.000 lượng tương đương 4 tấn vàng.
Theo BCTC của ngân hàng này, tới cuối Quý I/2013, dư nợ cho vay vàng của ACB vẫn còn hơn 137.000 lượng còn dư nợ ở thời điểm cuối năm 2012 là hơn 200.000 lượng.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, số dư nợ này phải vài năm nữa mới giải quyết hết do các hợp đồng cho vay vàng ký trước đây có thời hạn lên tới 5-10 năm.
Còn về huy động vàng, đúng là số dư tiền gửi của khách hàng bằng vàng chỉ còn … 5 lượng, coi như không đáng kể, nhưng ACB vẫn còn số dư chứng chỉ tiền gửi bằng vàng hơn 211.000 lượng và các khoản nợ bằng vàng khác gần 1.500 lượng.
Điểm tích cực là ACB vẫn duy trì trạng thái dương vàng, dù chỉ tương đối nhỏ (khoảng hơn 100 lượng). Con số này giảm rất mạnh so với mức dương gần 17.500 lượng cách đây nửa năm nhưng dù sao vẫn tích cực hơn con số âm gần 210.000 lượng vào cuối năm 2011.
Tại ĐHCĐ ACB ngày 26/4, TGĐ Đỗ Minh Toàn cho biết đã tất toán xong trạng thái vàng, dư nợ vàng hiện bằng 0.
Kể cả trường hợp ACB chưa kịp xử lý toàn bộ “dấu vết” của một thời “đánh đu với vàng” trước ngày 30/6 theo hạn chót của Ngân hàng nhà nước thì do số dư còn lại không lớn, nên rủi ro với ngân hàng này không còn nhiều và có lẽ trừ dư vị đắng của một thời, câu chuyện vàng của ACB đã có thể khép lại ở đây.
Phúc Hưng
Trí Thức Trẻ