Ts Nguyễn Trí Hiếu: Hoãn thời gian áp dụng Thông tư 02 là tiếp tục "nuôi ảo tưởng"
Việc trích lập dự phòng, phân loại nợ phải làm cho chính xác, từ đó NHNN và các NHTM xây dựng phương án thực tế, còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố.
Theo ông, hiện đã có nhiều doanh nghiệp khó khăn, chết lâm sàng.
"Chúng ta cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất. Câu chuyện của các doanh nhiệp ai cũng nói cần lộ trình, nhưng lộ trình đó là gì? Những doanh nghiệp không trả được nợ rồi thì ngân hàng có thể nuôi được nó sống trở lại không, có đủ tiền để bơm nữa không? Phải biết bệnh của nó là gì có phương án xử lý phù hợp, chứ đưa ra một giấy chứng nhận sức khỏe rồi không biết bệnh là gì, cứ bơm tiền cho nó… thì việc lùi lại chỉ là hoãn binh thôi”.
Ông Hiếu thẳng thắn rằng, việc trích lập dự phòng, phân loại nợ phải làm cho chính xác, từ đó NHNN và các ngân hàng thương mại cùng nhau xây dựng phương án thực tế, còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố.
Cũng theo ông Hiếu, hiện nay một số ngân hàng công bố nợ xấu là 3 - 4%, nhưng nếu thực hiện Thông tư này, vào cuối năm nay nợ xấu của một số ngân hàng sẽ tăng lên 10-30%, thậm chí 40%.
Với những ngân hàng như thế rất là khó khăn, bởi nếu nợ xấu
chỉ 20% thì đã ăn vào vốn chủ sở hữu ít nhất một nửa rồi, chưa kể năm nay làm không
có lời, lại còn ăn luôn vào vốn tự có thì quá rủi ro!
Ông Hiếu dẫn chứng ví dụ ở nước Mỹ, mỗi ngân hàng tự phân loại nợ theo tiêu chí
riêng của họ. Nhưng thị trường Mỹ thông thoáng, báo cáo tài chính minh bạch,
ngân hàng làm ăn chuyên nghiệp, có kỹ năng thẩm định chất lượng nợ của họ...
Trong kho đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn quá non trẻ nên việc quy định phân loại nợ dựa trên các thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để từ đó phân loại nợ theo Thông tư 02 là rất chặt chẽ. Đây cũng là biện pháp lâu dài để xử lý nợ xấu.
“Nếu nói hoãn lại đi, chúng ta sẽ mất uy tín với quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế. Cứ có bên này bên kia kêu chúng ta lại hoãn, rồi người ta đặt ra vấn đề chính sách tương lai đưa ra có hoãn nữa không” - chuyên gia này nói thêm.
Khánh Linh