TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lợi nhuận ngân hàng năm 2013 được như năm 2012 đã là rất tốt
Lợi nhuận của các ngân hàng những năm qua có sự đóng góp rất lớn từ tín dụng, đặc biệt tín dụng bất động sản và lợi thế đó không còn nữa trong năm nay cũng như trong tương lai.
Tháng 2 dần kết thúc và bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2012 chủ yếu toàn màu xám, có những ngân hàng lớn vốn nổi tiếng với các hoạt động tín dụng mạnh tay công bố lợi nhuận giảm đến 70%. Năm 2013 được dự báo sẽ vẫn là năm khó khăn của ngành ngân hàng khi hoạt động tín dụng khó có thể tăng trưởng như trước trong khi chi phí duy trì hoạt động của g không giảm hơn được nữa. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về ngành ngân hàng năm 2013.
PV: Có quan điểm cho rằng những năm trước lợi nhuận của ngân hàng cao do tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh rủi ro và đến năm 2012 lợi nhuận của ngành mới về thực chất, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Lợi nhuận của ngành ngân hàng những năm trước ở mức rất cao, nếu như ta sử dụng những chỉ số để tính toán lợi nhuận như ROA, ROE thì có những ngân hàng có ROE lên đến 20 đến 25%, còn đối với ROA, thì có nhiều ngân hàng đạt mức 23%, trong khi tại Mỹ, ROA nếu đạt 1% và ROE đạt 12% đã là quá tốt rồi. Con số lợi nhuận ngân hàng nhiều năm qua có thể nói là khủng và nó có được nhờ đã mạnh tay phát triển tín dụng.
Những năm qua, nhiều ngân hàng đặc biệt đẩy mạnh cho vay, nhất là tín dụng cho bất động sản, các khoản vay có bất động sản làm thế chấp. Khi thị trường bất động sản lao dốc thì các món nợ trở thành nợ xấu và giá trị bảo đảm giảm thiểu nhiều. Với tình hình thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay thì tín dụng dành cho bất động sản và dùng bất động sản làm thế chấp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Lợi nhuận của các ngân hàng những năm qua có sự đóng góp rất lớn từ tín dụng, đặc biệt tín dụng bất động sản và lợi thế đó không còn nữa trong năm nay cũng như trong tương lai.
Ông có thể đưa ra dự báo gì cho lợi nhuận ngành ngân hàng Việt Nam năm 2013?
Năm 2013 theo tôi sẽ vẫn là một năm rất khó khăn đối với ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước muốn rằng tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%. Đành rằng tăng trưởng tín dụng là cần thiết cho lợi nhuận của ngân hàng thế nhưng chúng ta cần tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng như những năm trước. Tín dụng cần phải có chất lượng tốt, hoạt động quản trị rủi ro cần được chú ý nhiều hơn nữa.
Tóm lại, năm nay thu nhập của ngân hàng từ hoạt động tín dụng sẽ rất hạn chế. Trong khi đó chi phí của các ngân hàng khó có thể giảm thiểu được nhiều hơn nữa. Chúng ta đều biết rằng chi phí lao động trong hệ thống ngân hàng rất cao, ngoài ra phải kể đến chi phí hạ tầng, thuê cao ốc, địa điểm và việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, tất cả những chi phí đó đối với ngân hàng khó có thể giảm thiểu được.
Trong năm 2012, nhiều ngân hàng đã tìm cách giảm chi phí đến mức tối đa. Vì vậy đến năm 2013, chi phí của các ngân hàng không thể giảm thiểu hơn được nữa trừ khi họ sa thải nhân viên hàng loạt để giảm chi phí nhiều hơn nữa. Nhưng nếu làm thế, nó sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của các ngân hàng và các ngân hàng ở trong trạng thái sẽ khó có thể phục vụ khách hàng.
Như vậy, chi phí của ngân hàng khó có thể giảm trong khi lợi nhuận từ các mảng kinh doanh của ngân hàng năm nay sẽ vẫn khó khăn. Vì vậy theo tôi, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam năm 2013 nếu được như năm 2012 cũng đã là tốt lắm rồi.
Vậy các ngân hàng có thể làm gì để cải thiện tình hình kinh doanh trong năm 2013?
Thứ nhất các ngân hàng có thể cân nhắc đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ cho các đối tượng khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp và dân chúng, chẳng hạn như hoạt động chuyển tiền, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh, tư vấn…tất cả những dịch vụ đó nếu phát triển tốt sẽ giúp bù lại được cho lợi nhuận sụt giảm của lĩnh vực tín dụng. Tôi nghĩ trong năm nay nhiều ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động dịch vụ.
Thứ hai, chi phí hoạt động của các ngân hàng sẽ khó có thể giảm được, tuy nhiên chi phí vốn là cái có thể giảm được. Trong năm nay, tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sẽ giảm được lãi suất huy động. Nếu giảm được lãi suất huy động, chúng ta sẽ giảm được chi phí vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay ra áp dụng với doanh nghiệp và cá nhân sẽ giảm theo. Nói cách khác, tất cả các bên đều có lợi khi mặt bằng lãi suất giảm đi. Nhưng xét đến tình hình lạm phát có phần căng thẳng như hiện nay, mục tiêu hạ lãi suất không phải dễ. Điều kiện tiên quyết để giảm được lãi suất là lạm phát phải giảm. Nếu hạ được lạm phát, lãi suất sẽ giảm, doanh nghiệp dễ thở hơn và các ngân hàng hạ được chi phí vốn.
Gánh nặng đối với các ngân hàng trong năm nay, nó kéo dài từ những năm trước và sẽ còn gây ra nhiều áp lực trong những năm tới, đó chính là nợ xấu. Nợ xấu sẽ ăn vào lợi nhuận ngân hàng rất nhiều, nợ xấu cao, ngân hàng phải trích lập dự phòng cao; nếu họ không trích lập dự phòng đủ, nợ xấu còn ăn cả vào vốn chủ sở hữu. Nợ xấu là gánh nặng rất lớn của các ngân hàng và vì vậy tình hình chung của ngành năm 2013 chỉ có thể chốt trong 2 từ: khó khăn.
Xin cám ơn ông về những thông tin được chia sẻ!
Trần Nguyễn