Tuần từ 17 – 23/12: NHNN công bố hàng loạt thông tin quan trọng
Lãi suất điều hành giảm 1%; sẽ bơm 100.000 – 150.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu; dự trữ ngoại hối cao gấp đôi so với đầu năm; đã có biện pháp ngăn chặn lợi ích nhóm ngân hàng...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm 1% lãi suất điều hành kể từ ngày 24/12. Theo đó: Lãi suất tái cấp vốn còn 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 7%/năm; trần lãi suất huy động còn 8%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng xuống 10%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 4 lĩnh vực ưu tiên xuống 12%/năm.
Sau quyết định của NHNN, ngay trong sáng thứ Bảy 22/12, một số ngân hàng đã hạ ngay lãi suất kỳ hạn ngắn về 8%/năm. Nhiều ngân hàng khác trong khi đó làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm sớm cho khách và gửi sổ mới để hưởng lãi suất 9%/năm.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. HCM ngày 18/12, Thống đốc NHNN đã cam kết sẽ đưa ra khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản ngay trong quý 2 và quý 3 năm 2013. Đồng thời sẵn sàng cung ứng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý khoảng 8% trong thời hạn 5-10 năm và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này…
Những thông tin quan trọng khác được NHNN công bố
Tại buổi gặp gỡ cuối năm giữa NHNN và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam ngày 21/12, đại diện NHNN cho biết năm 2012 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Lạm phát giảm mạnh, dự kiến xuống còn khoảng 7% trong cả năm 2012; Tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến cả năm 2012 đạt khoảng 5,2%; Cán cân tổng thể dự báo đạt thặng dư kỷ lục khoảng 10 tỷ USD trong năm 2012, cao hơn rất nhiều so với các dự báo được đưa ra. Kết quả là, dự trữ ngoại hối tăng rất mạnh lên hơn gấp đôi so với hồi đầu năm, cung ứng ra thị trường một lượng lớn nội tệ mà không gây áp lực lên lạm phát, đồng thời góp phần giảm căng thẳng thanh khoản, duy trì thị trường ngoại hối, tỷ giá rất ổn định trong suốt cả năm 2012.
Trong buổi làm việc giữa NHNN với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 22/12, trước các ý kiến cho rằng lợi ích nhóm và việc thiếu kiên quyết trong kiểm tra, giám sát chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng , đại diện NHNN khẳng định nguyên nhân này cũng đã được xác định từ sớm, và đến nay NHNN đã có các giải pháp để xử lý một cách hiệu quả, đảm bảo vừa không gây mất ổn định hệ thống, vừa không để tình trạng lợi ích nhóm, buông lỏng kỷ cương, kỷ luật tiếp diễn.
Tại buổi làm việc, Tổng bí thư yêu cầu năm 2013, NHNN phải tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết nợ xấu và không để cho nợ xấu xấu thêm nữa.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, hoạt động kinh doanh thẻ của nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng với mạng lưới ATM lớn thường là thu không đủ bù chi. Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng nước ngoài, sau khi cân đối lợi ích, chi phí từ hoạt động kinh doanh thẻ ATM đã lựa chọn chỉ đầu tư tượng trưng một lượng máy ATM nhất định hoặc không đầu tư mạng lưới ATM của riêng mình.
Tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM là gần 3,7 nghìn tỷ đồng; tổng thu (đã bao gồm lợi ích thu được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tài khoản thẻ nội địa) là xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng; chênh lệch thu-chi chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ.
Lý giải về dự kiến thu phí ATM nội mạng như nội dung của Dự thảo Thông tư phí dịch vụ thẻ nội địa đã được NHNN đăng tải trên Website NHNN để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, Vụ trưởng vụ Thanh toán NHNN cho biết mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng chỉ hướng tới việc bù đắp, thu hồi một phần chi phí giao dịch, giúp các ngân hàng cân đối phần nào chi phí bỏ ra.
Theo báo cáo của NHNN về hoạt động ngân hàng tuần thì trong tuần trước, giao dịch bằng USD trên liên ngân hàng đã tăng gấp hơn 2 lần so với tuần trước đó. Các lãi suất kỳ hạn ngắn trên liên ngân hàng cũng tăng đồng loạt.
Trước các thông tin nghi ngờ về khoản vay hơn 38.000 tỷ đồng cho cá tra tại các tỉnh ĐBSCL mà báo Tiền Phong đã nêu, NHNN khẳng định, đó là tin không chính xác. Dư nợ cho vay cá tra tại khu vực này tính đến ngày 30/9/2012 chỉ đạt 20.784 tỷ đồng.
Vàng trong nước biến động không theo thế giới và với biên độ rất hẹp, khiến cho khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, cuối tuần này đã lên tới 5 triệu đồng/lượng – cao nhất từ trước tới nay.
Techcombank sẽ không thưởng Tết
Ngân hàng Techcombank ngày 21/12 đã tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2012 để bãi nhiệm 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS đồng thời bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 1 thành viên BKS.
Trước đó 1 ngày, dư luận rất quan tâm tới sự kiện CEO của nhà băng này gửi thư cho nhân viên thông báo sẽ không có thưởng cuối năm. Nhiều ý kiến cho rằng có thể Techcombank sẽ khởi đầu cho làn sóng không thưởng tết của không ít các ngân hàng bởi lẽ 2012 là một năm vô cùng khó khăn với ngành này. Thêm vào đó, NHNN đã quy định nếu ngân hàng nào chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro thì sẽ không được tăng lương, không được thưởng cho cán bộ nhân viên.
Một số thống kê thú vị về hệ thống ngân hàng Việt Nam
Theo các số liệu đã công bố, ngân hàng TMCP lớn nhất ở nước ta hiện có tổng tài sản lớn gấp 45 lần so với ngân hàng nhỏ nhất. Tổng tài sản của Agribank gấp đôi tổng tài sản của VDB và Ngân hàng Chính sách cộng lại. Hiện có 10 ngân hàng nước ngoài đang nắm giữ cổ phần lớn tại các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, tỷ lệ nắm giữ từ 14,88 – 20%.
Trong 10 tháng đầu năm, tổng tài sản của nhóm các NHTM đã giảm 8% trong khi của toàn hệ thống cũng giảm 2,44%. Tăng trưởng vốn tự có của nhóm các công ty tài chính và và cho thuê giảm hơn 1 nửa. Tăng trưởng vốn điều lệ của nhóm NHTMNN tăng gần 28%.
CafeF đã tiến hành tổng hợp 10 sự kiện quan trọng của ngành ngân hàng năm 2012. Một số điểm đáng chú ý như tăng trưởng tín dụng thấp nhất 20 năm, nợ xấu tăng vọt, lợi nhuận ngân hàng giảm sút, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng tăng mạnh…
Thành Hưng