MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá chờ… FED

30-11-2015 - 09:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết từ nửa sau năm 2016 trở đi khi FED tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá tuần qua có nhiều phiên biến động với giá bán cách trần của NHNN chỉ 2 đồng rồi nhanh chóng hạ nhiệt. Theo các chuyên gia, diễn biến này xuất phát từ yếu tố tâm lý và dự báo tỷ giá vẫn sẽ được giữ ổn định cho đến hết năm 2015, dù Cục Dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED) có nâng lãi suất trong tháng 12.

Tâm lý chực chờ

Trong những ngày gần đây biến động tỷ giá VNĐ/USD đã khiến giới tài chính rất khó đoán định. Trong 2 ngày 24 và 25-11 tỷ giá vẫn neo ở mức cao bởi một số NH tăng giá mua 25 đồng lên 22.475 đồng/USD và tăng 10 đồng ở giá bán lên 22.540 đồng/USD. Một số NH khác còn giữ tỷ giá mua-bán ở mức 22.450-22.545 đồng/USD. Như vậy so với mức tỷ giá trần 22.547 VNĐ/USD và tỷ giá sàn 21.233 VNĐ/USD, tỷ giá cuối tuần qua tăng chỉ cách mức trần 2 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD được một số điểm thu đổi ngoại tệ chào bán 22.670 đồng/USD và mua vào ở mức 22.640 đồng/USD. Tuy nhiên, đến ngày cuối tuần 28-11, tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt và giữ ổn định trở lại mức 22.450-22.520 đồng/USD. Mặc dù NHNN khẳng định ổn định tỷ giá cho đến hết năm 2015 sau lần điều chỉnh tăng tỷ giá gần nhất vào tháng 8-2015, nhưng kể từ đó đến nay thị trường ngoại hối vẫn có chiều hướng nóng lên.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tỷ giá tăng trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý cũng như thời điểm cuối năm thông thường nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Những phiên biến động hồi cuối tháng 8-2015 cũng diễn ra tương tự tình hình hiện nay, việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần với các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tế là do yếu tố tâm lý. “Chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá khá lớn và không có lý do gì để tiếp tục phá giá VNĐ nữa. Vấn đề còn lại là niềm tin thị trường” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Quan sát trên thị trường, giá USD vẫn đang duy trì ở mức cao so với các đồng tiền chủ chốt khác như EUR hay JPY. Nguyên nhân do nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 12 tới. Ngoài ra, giá vàng thế giới sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi giá vàng trong nước giảm chậm, khiến mức chênh lệch được nới rộng lên hơn 4 triệu đồng/lượng. Điều này có thể kích thích nhu cầu gom USD trên thị trường tự do để nhập vàng lậu.

Chưa thấy áp lực

Trước những biến động của tỷ giá những ngày qua lên mức sát trần quy định, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng nhu cầu đối với USD trước thời điểm cuối năm cho mục đích thanh toán đã bắt đầu gia tăng. Tỷ giá hiện tại đồng thời thấp hơn và cao hơn so với trần tỷ giá tương ứng trên thị trường liên NH và OTC nhưng HSC vẫn chưa nhận thấy bất kỳ áp lực tăng ở đây. Tuy nhiên đơn vị này vẫn cho rằng sẽ có sự điều chỉnh tỷ giá vào đầu năm tới.

Với động thái can thiệp mạnh mẽ của NHNN đã giúp ổn định tỷ giá kể từ tháng 8-2015 đến nay. Dù vậy, gần đây các dự báo cho rằng áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn trong tháng còn lại của năm 2015 và đầu năm 2016. Tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2015 diễn ra tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết từ nửa sau năm 2016 trở đi khi FED tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó Việt Nam có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy lạm phát, lãi suất tăng lên và khả năng sẽ phải điều chỉnh về tỷ giá.

Mới đây Trung tâm nghiên cứu của BIDV đưa ra những nhận định về việc tăng lãi suất của FED và những tác động đến Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 12 qua kịch bản xác suất 50% FED thực hiện nâng lãi suất 0,25%; đồng thời giữ nguyên/giảm nhẹ dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9-2015 (khoảng 0,25%) và có thể tăng thêm 0,75% năm 2016.

Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế, cộng với các yếu tố mùa vụ về việc nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp trong tháng 12 và lan sang năm 2016. Nhóm nghiên cứu chỉ ra yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Theo đó, VNĐ có thể giảm giá thêm 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VNĐ tăng vượt qua mức 23.000 đồng/USD.

“Thông điệp và hành động cụ thể cần kịp thời để tránh thị trường bị cộng hưởng tạo ra các biến động vượt tầm kiểm soát. Bộ Tài chính xem xét đẩy nhanh quá trình phát hành trái phiếu quốc tế vào đầu năm 2016 nhằm tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý” - báo cáo nhấn mạnh.

Theo Xuân Anh

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên