MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ước làm cổ đông ngân hàng bị sáp nhập

04-05-2015 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Tư cách cổ đông thay đổi, tỷ lệ hoán đổi cao ngoài dự kiến, cổ phiếu có tính thanh khoản tốt hơn...đang khiến không ít nhà đầu tư “ước” được làm cổ đông của ngân hàng bị sáp nhập.

Mùa đại hội cổ đông 2015 của các ngân hàng đã gần như hoàn tất, chỉ còn một số trường hợp chưa tổ chức do chưa được NHNN cho phép, chẳng hạn như Eximbank hay DongABank. Điểm nhấn rõ nét nhất qua mùa đại hội năm nay là vấn đề sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng.

5 trường hợp điển hình về sáp nhập bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (BIDV – MHB); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (VietinBank – PGBank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Ngân hàng TMCP Phương Nam (Sacombank – SouthernBank); Ngân hàng TMCP Hàng Hải – Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông ( Maritime Bank – MDB); và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – Công ty Tài chính Vinaconex Viettel (SHB – VVF) có đặc điểm chung là tỷ lệ hoán đổi cổ phần rất cao.

Theo kế hoạch sáp nhập, mỗi cổ phần MHB sẽ tương đương 1 cổ phần của ngân hàng BIDV, tương tự là 1 cổ phần MDB hoán đổi lấy 1 Maritime Bank và 1 cổ phần VVF đổi được 1 cổ phiếu SHB. Còn cổ đông của PGBank sẽ được hoán đổi tỷ lệ 1 cổ phần đổi lấy 0,9 cổ phần của VietinBank. Cổ đông của ngân hàng Phương Nam hoán đổi tỷ lệ 1 SouthernBank lấy 0,75 cổ phần Sacombank.

Trên thị trường hiện nay, cổ phiếu BID của BIDV có giá quanh 18.000 – 19.000 đồng, trong khi cổ phiếu của MHB có giá khoảng 11.000 đồng (tham khảo trên thị trường OTC). Trước khi có thông tin về tỷ lệ hoán đổi, giá cổ phiếu MHB chỉ dao động quanh 6.000 -9.000 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu STB của Sacombank cũng biến động từ 17.000 – 18.000 đồng, trong khi đó trên sàn OTC cổ phiếu của Phương Nam chưa nổi 9.000 đồng.

Cổ phiếu của PGBank có giá hơn cả so với các ngân hàng khác khi sáp nhập. Sau khi có tin về tỷ lệ hoán đổi, cổ phiếu này đã tăng giá lên trên 10.000 đồng, thậm chí được chào bán lên tới 13.500 đồng/cổ phần. Cổ phiếu CTG của VietinBank trên thị trường chứng khoán đang xấp xỉ 18.000 đồng.

Cổ phiếu của Maritime Bank và SHB cũng có giá cao hơn khá nhiều so với VVF và MDB.

Nhìn về mặt giá cả, rõ ràng cổ đông của các ngân hàng bị sáp nhập có lợi rất lớn khi cổ phiếu của họ được hoán đổi. Một cái lợi nữa cũng dễ thấy đó là thay đổi tư cách cổ đông và cổ phiếu sẽ dễ giao dịch hơn, thanh khoản lớn hơn khi mà các bên nhận sáp nhập hầu hết đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cổ đông của các ngân hàng bị sáp nhập thì “trúng đậm”, nhưng cổ đông của các bên nhận sáp nhập lại cho rằng họ phải “ngậm ngùi” khi quyền lợi không được bao nhiêu, thậm chí còn phải chịu rủi ro giá cổ phiếu sụt giảm sau sáp nhập do tỷ lệ hoán đổi và pha loãng cổ phiếu, hay những hậu quả phải xử lý do nợ xấu, tài sản ảo từ đối tác mang lại.

Trong khi cổ đông lo lắng, lãnh đạo các bên nhận sáp nhập vẫn lạc quan cho rằng, trước mắt thì cổ đông có thể có đôi chút thiêt thòi, nhưng ngân hàng cũng có những lợi ích không nhỏ. Nói như phó chủ tịch HĐQT của Sacombank, ông Trầm Bê, thì hệ thống mạng lưới sẽ tăng thêm hơn 200 điểm giao dịch, nhân sự tăng thêm trên 4.000 người mà nếu không sáp nhập thì Sacombank có thể phải bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng để đào tạo chưa chắc đã có được. Hay như chủ tịch của ngân hàng SHB ví VVF như “một cô gái đẹp” vì VVF có lợi thế từ phía Tập đoàn Viettel và Vinaconex.

Lãnh đạo của VietinBank cũng khẳng định ngân hàng sẽ được lợi lớn nhờ các khách hàng và dịch vụ của Petrolimex – cổ đông nắm giữ 40% vốn của PGBank. Còn chủ tịch Trần Bắc Hà của BIDV thì cho rằng MHB là một sự bổ sung phù hợp cho BIDV do MHB đang có lợi thế về tín dụng nông nghiệp, nông thôn –điều mà BIDV đang chú trọng hơn, và rằng sự sáp nhập chỉ đơn thuần là dịch chuyển sở hữu của Nhà nước từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Nhưng nói gì thì nói, cái lợi lớn lần này rõ ràng thuộc về cổ đông của bên nhận sáp nhập. Với những diễn biến khó lường trên thị trường tài chính hiện nay, đặc biệt là sau trường hợp cổ đông của các ngân hàng như VNCB và OceanBank bị “mất trắng” do Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, thì chắc hẳn rất nhiều nhà đầu tư đang ao ước họ được làm cổ đông của ngân hàng sáp nhập.

>>> PVN "trắng tay" ở OceanBank?

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên