USD mạnh, Euro giảm sâu và áp lực lên tỷ giá trong nước
Theo Ths. Trần Phan Huy Hiệu, trong tình hình hiện nay, NHNN có mục đích cụ thể để tăng tỷ giá USD/VND, có đủ nguồn lực để thực hiện một cách chủ động và càng sớm thực hiện thì càng mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế.
Nội dung nổi bật
- USD đang tăng mạnh và gần ngang giá trị của Euro
- USD mạnh gây xáo trộn hoạt động kinh tế thế giới và chắc chắn gây áp lực đến cả Việt Nam
- USD mạnh và Euro yếu tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam, làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn
- Điều chỉnh tỷ giá là cần thiết trong bối cảnh NHNN có nguồn dự trữ dồi dào, giúp hàng Việt Nam cạnh tranh hơn. Tỷ giá tăng không có nghĩa do kinh tế bất ổn mà do kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng.
Trong những tháng đầu năm 2015, đồng USD đã tăng rất mạnh và ngày càng tiến gần đến mức ngang bằng giá trị với đồng Euro. Cách đây 1 năm, vào thời điểm tháng 3/2014 tỷ giá đồng EUR/USD ở khoảng mức 1 EUR bằng 1,39 USD. Đến ngày 13/03/2015, tức là chỉ đúng 1 năm sau, 1 đồng Euro chỉ đổi được khoảng 1,05 USD.
Việc đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với đồng Euro gây nên những xáo trộn trong hoạt động kinh tế thế giới và chắc chắn việc biến động tỷ giá này sẽ ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế và giá trị đồng tiền của tất cả các nước.
Bài viết này thể hiện ý kiến cá nhân của tác giả về sự tác động của việc đồng USD tăng mạnh, đồng Euro giảm sâu và tại sao giảm giá trị đồng Việt lại là điều nên làm ngay trong thời gian tới.
USD mạnh và Euro yếu đều tác động xấu đến xuất khẩu của VN
Cả Mỹ và EU đều là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Hoa kỳ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu là những bạn hàng xuất khẩu truyền thống và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt nam.
Trong khi Hoa kỳ là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất thì Châu Âu tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong giao thương với Hoa kỳ, Việt nam đạt thặng dư với giá trị tuyệt đối gần 18,7 tỷ USD trong năm 2013 thì đã tăng lên 20,35 tỷ USD chỉ tính trong 11 tháng đầu năm 2014. Với thị trường EU, năm 2013 Việt nam xuất sang EU với tổng kim ngạch 24,3 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) thì đến năm 2014 đã tăng lên 27,9 tỷ USD (chiếm khoảng 18.6% tổng kim ngạch xuất khẩu). Như vậy, việc biến động về giá trị của các đồng tiền này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt nam và qua đó, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu và nền kinh tế trong dài hạn.
Để xác định tác động của việc biến động tỷ giá giữa USD/EUR đến nền kinh tế Việt nam, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách riêng rẽ: đồng USD tăng mạnh và đồng Euro giảm sâu so với tất cả các đồng tiền mạnh khác, chứ không phải chỉ giữa 2 đồng tiền này với nhau. Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh và đồng Euro yếu đều tác động xấu lên nền kinh tế Việt nam mà trực tiếp là làm giảm xuất khẩu của Việt nam sang các thị trường này.
Mặt khác, đồng USD tăng giá mạnh làm hàng xuất khẩu Việt nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các hàng hóa khác cùng thị trường xuất khẩu vào Mỹ. Theo chính sách hiện nay của chúng ta, giá trị đồng Việt được neo theo giá trị của USD. Và khi đồng bạc xanh lên giá trong khi tỷ giá hối đoái danh nghĩa không thay đổi thì có nghĩa là giá trị đồng Việt lên giá so với giá trị các đồng tiền khác. Việc này không làm cho hàng hóa Việt nam xuất khẩu vào Mỹ đắt lên, nhưng nó lại làm cho giá trị các hàng hóa của đối thủ cạnh tranh của Việt nam trở lên rẻ hơn so với hàng Việt. Nói một cách khác, giá đồng USD tăng trong khi tỷ giá giữa USD/VND giữ nguyên sẽ không làm cho con tôm Việt trở nên đắt hơn khi xuất vào Mỹ mà nó làm cho con tôm của Thái lan xuất vào Mỹ có giá thành rẻ đi so với Việt nam.
Mặt khác, đồng Euro giảm sâu so với tất cả các đồng tiền mạnh khác là do Ngân hàng Trung ương Châu Âu tung ra gói kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ Euro. Do đó, đồng Euro giảm giá rất mạnh so với đồng đô Mỹ, trong khi đồng Việt được neo theo giá trị USD, cũng đồng nghĩa với việc giá đồng Việt sẽ tăng mạnh so với EUR. Và như vậy, giá thành của hàng hóa mà Việt nam xuất khẩu vào khu vực Châu Âu sẽ tăng mạnh về giá trị tuyệt đối, hàng hóa Việt nam trở nên đắt đỏ hơn so với các nước khác. Điển hình như, linh kiện điện tử hay giày dép Việt nam trở nên đắt hơn so với cùng mặt hàng được sản xuất tại Indonesia hay Philippines là những nước áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi.
Điều chỉnh tỷ giá là cần thiết
Những phân tích trên chỉ ra rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ giá giữa USD/VND là cần thiết để giảm thiểu những tác động xấu đến xuất khẩu và qua đó, giữ được những thị trường xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt nam. Vẫn có những chuyên gia đặt câu hỏi về việc có nên tăng tỷ giá hay không vì chúng ta đã trải qua những thời điểm mà việc giảm giá đồng Việt là rất nhạy cảm và gây ra tâm lý bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Theo quan điểm cá nhân của tác giả, NHNN không những nên tăng tỷ giá USD/VND mà còn nên cân nhắc tăng tỷ giá ngay trong những tháng sắp tới, vì những lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên nhân căn bản của các đợt giảm giá đồng Việt. Trong những năm trước, căng thẳng tỷ giá giữa đồng bạc xanh và đồng Việt xuất phát từ sự mất giá của đồng Việt do nền kinh tế Việt nam bất ổn và lạm phát luôn duy trì ở mức cao. Và khi nguồn cung USD trong nền kinh tế không đủ cho nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp, tỷ giá chợ đen được đẩy lên cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức cho đến thời điểm NHNN phải hạ giá đồng Việt để giảm khoảng cách giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen.
Tình hình hiện nay đã thay đổi căn bản. Việc đồng USD mạnh lên không phải do đồng Việt yếu đi mà do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng. Mặt khác, sau 20 năm thâm hụt thương mại, năm 2012 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt nam đạt thặng dư. Từ đó đến nay, cán cân thương mại luôn được duy trì thặng dư đã góp phần làm cho dự trữ ngoại hối của Việt nam tăng lên mức kỷ lục khoảng 36 tỷ USD trong năm 2014. Như vậy, NHNN có đủ nguồn lực để duy trì và ổn định tỷ giá trong dài hạn. Quyết định có hạ giá đồng Việt hay không và hạ giá vào thời điểm nào là hoàn toàn nằm trong sự cân nhắc chủ động của NHNN.
Thứ hai, như đã nói ở trên, việc duy trì tỷ giá như hiện nay sẽ làm tăng giá thành hàng hóa của Việt nam một cách tương đối so với các nước khác, giảm tính cạnh tranh của hàng Việt, thu hẹp thị trường xuất khẩu và có nguy cơ mất thị phần ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Và như thế, thặng dư mại sẽ giảm đi và thâm hụt thương mại có nguy cơ quay trở lại.
Thứ ba, từ quý 4/2011 tỷ giá dần đi vào ổn định. Tỷ giá không thay đổi trong suốt năm 2012 và chỉ điều chỉnh nhẹ vào giữa năm 2013. Trong cả năm 2014 tỷ giá cũng chỉ được điều chỉnh 1% và đến đầu tháng 1/2015, NHNN công bố điều chỉnh giảm tỷ giá thêm 1% nữa. Việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài là một chính sách thành công của NHNN. Tuy nhiên, việc tỷ giá danh nghĩa được duy trì ổn định trong thời gian qua được đánh giá là làm cho giá trị thực của đồng Việt lên giá so với đồng đô Mỹ. Hiện nay, khi mà đồng USD tiếp tục lên cao thì việc tiếp tục tăng tỷ giá là biện pháp cần thiết để đảm bảo giá trị đồng Việt không bị đẩy lên quá mạnh so với các đồng tiền khác.
Như vậy, trong tình hình hiện nay, NHNN có mục đích cụ thể để tăng tỷ giá USD/VND, có đủ nguồn lực để thực hiện một cách chủ động và càng sớm thực hiện thì càng mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế.
>>> Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan
Ths. Trần Phan Huy Hiệu