Ưu đãi nhiều nhưng vẫn khó hấp thụ vốn
Theo lãnh đạo NHNN, có nhiều lý do khiến cho nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó hấp thụ, trong đó có việc sản xuất lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro song lại thiếu các công cụ bảo hiểm.
Nông nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP hàng năm, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1% các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, và phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong năm 2015, ngành ngân hàng đã có những ưu đãi hơn đối với lĩnh vực này, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 9,89% - tương đương một nửa so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành và chỉ bằng chưa đến 1/4 của tăng trưởng tín dụng lĩnh vực công nghệ cao.
Tính chung cả nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm vừa qua đã có cải thiện , song tổng dư nợ vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 460 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Xoay quanh những băn khoăn về tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến.
Thưa ông, năm 2015 được ghi nhận là năm NHNN đã có nhiều chính sách đột phá trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn để người nông dân có cơ hội tiếp cận được với đồng vốn. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách này?
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực được ngân hàng ưu tiên vốn phát triển. Trong năm 2015, NHNN đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Chẳng hạn, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP) với một hệ thống các chính sách đồng bộ, hiệu quả tăng cường khả năng tiếp cận vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân như: mở rộng đối tượng được vay vốn; Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5 – 2 lần so với các mức cho vay quy định cũ (Nghị định 41/2010/NĐ-CP); xây dựng chính sách tín dụng đặc thù đối với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN cũng đã tích cực triển khai chính sách tín dụng tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và phối hợp các Bộ ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Bên cạnh đó, nắm bắt được khó khăn của người trồng cà phê trong việc tái canh các vườn cà phê già cỗi, NHNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2015. Trong giai đoạn 2014-2020, Nhà nước sẽ dành khoảng 12.000 – 15.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên theo quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của nước ta như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã bước đầu tạo thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngành ngân hàng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng người nông dân với các cơ chế, chính sách thiết thực hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Dù cơ quan quản lý đã rất nỗ lực, song việc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn, lý do là vì sao thưa ông?
Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng luôn xác định đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này vẫn tồn tại một số khó khăn do khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.
Trước hết là các khó khăn nội tại, làm giảm hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, là nguyên nhân chủ yếu, hạn chế dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp đến, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và tới kết quả đầu tư của ngành ngân hàng, tuy nhiên trên thị trường lại đang thiếu các công cụ bảo hiểm để phòng chống và hạn chế rủi ro này.
Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên WTO, tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực thì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mang tính cạnh tranh toàn cầu, nhưng vẫn dựa trên tổ chức sản xuất nhỏ, manh mún vì vậy hiệu quả kinh tế không cao.
Thứ tư, việc quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp nước ta còn hạn chế dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân, từ đó cũng khiến các doanh nghiệp, người dân và TCTD thận trọng trong việc đầu tư vốn cho lĩnh vực này.
Thứ năm, văng lực sản xuất kinh doanh, kiến thức thị trường của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn hạn chế.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian đầu đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc mang tính kỹ thuật, như vấn đề phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện, về mẫu tàu, xác định giá trị con tàu, sử dụng máy tàu,... Bên cạnh đó, các cơ sở đóng tàu vỏ thép còn ít, cơ sở hạ tầng nghề cá ở các địa phương chưa phù hợp với tàu vỏ thép công suất lớn, giá trị đầu tư con tàu vỏ thép quá lớn so với tàu vỏ gỗ cũng là các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc đầu tư vốn của các ngân hàng.
NHNN sẽ có thêm các giải pháp nào để người nông dân có thể tiếp cận được vốn ưu đãi trong năm 2016 này, thưa ông?
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong năm 2015, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với một hệ thống các chính sách đồng bộ, hiệu quả, giúp tăng cường khả năng tiếp cận vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định 67. Thời gian gần đây việc cho vay các chủ tàu đã được đẩy nhanh, các ngân hàng và khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp từ 75 tàu vào giữa tháng 6/2015 đã tăng lên 271 tàu vào cuối tháng 11/2015.
Bên cạnh việc ban hành các Thông tư hướng dẫn, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo người dân, doanh nghiệp nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Chính phủ; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, quy trình vay vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng theo Nghị định 55 và Nghị định 67 của Chính phủ.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các chính sách của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi nhất.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Phó Thống đốc!