MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC có gây lạm phát?

19-01-2013 - 11:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Ước tính VAMC sẽ làm tăng tổng phương tiện thanh toán thêm cỡ 200 nghìn tỷ, nhưng NHNN có tương đối nhiều công cụ để xử lý.

Nụ cười âu lo

Trong thời gian gần đây, kế hoạch dọn nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (Vietnam Asset Management Corporation – VAMC) đang dần được hé lộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mặc dù Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về các thông tin nêu trên, nhưng rõ ràng, những thông tin ấy đã có tác động nhất định tới tâm lý thị trường.

Một mặt, các nhà đầu tư cổ phiếu vừa trải qua một tháng không thể hạnh phúc hơn khi VN-Index tăng 17%, HNX-Index tăng gần 15%. Marc Faber cho rằng “Việt Nam đáng đầu tư nhất”. Bloomberg bình luận Việt Nam là “thị trường tăng trưởng tốt nhất kể từ đầu năm 2013”. Wall Street Journal còn chạy tít chúc mừng năm mới thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Trong báo cáo về Giải pháp cứu trợ thị trường bất động sản phát hành tuần trước, Chứng khoán Bản Việt thậm chí đã tính tới công ty nào hưởng lợi nhiều nhất.

Tuy nhiên, một số nhân vật trong giới tài chính lại tỏ ra thận trọng. CEO Standard Chartered Louis Taylor bày tỏ nỗi lo trên Thời báo Ngân hàng về kế hoạch sử dụng nguồn vốn của VAMC, vì nó ảnh hưởng tới giá trái phiếu và giá trị đồng tiền (tức lạm phát). Có thể hiểu được nỗi lo của ông do các TCTD đang nắm rất nhiều trái phiếu và giấy tờ có giá, nếu lạm phát trở lại và lãi suất tăng, số trái phiếu này sẽ mất giá và các TCTD lỗ nặng.

Trên tờ Sài gòn Tiếp thị, tác giả Nguyên Minh Cường cho rằng nếu kế hoạch VAMC được thực thi, sẽ có 125.000 đến 200.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường. Kết quả tất yếu hoặc sẽ là lạm phát, hoặc sẽ là thua thiệt của NHTM khi NHNN hút về số tiền đã bơm ra.

Chương trình VAMC sẽ bơm ra bao nhiêu tiền?

Theo số liệu được công bố trên website NHNN, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2012 vào khoảng hơn 3,3 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu ước cả năm khoảng trên 8%. Như vậy, số nợ xấu hiện khoảng trên 260 nghìn tỷ đồng.

Nhưng cần nhớ, mục tiêu của VAMC không phải là quét sạch nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán các ngân hàng, VAMC chỉ nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, tức dưới 3%, mà thôi. Theo một nguồn tin của chúng tôi, tổng số dự phòng rủi ro tín dụng đã được các TCTD Việt Nam trích lập có thể sử dụng để xử lý nợ xấu là khoảng gần 90 nghìn tỷ.

Do đó, “trách nhiệm” của VAMC chỉ còn có khoảng 100 nghìn tỷ, bằng với khối lượng trái phiếu đặc biệt VAMC sẽ phát hành.

Khi mang lên chiết khấu tại NHNN, các TCTD thu về được khoảng 40% mệnh giá trái phiếu VAMC, tương đương 40 nghìn tỷ. Đây là số tăng thêm trong cơ sở tiền M1, giả sử số nhân tiền tệ của Việt Nam vào khoảng 5 lần, thì VAMC sẽ làm tổng phương tiên thanh toán tăng lên cỡ 200 nghìn tỷ, tức khoảng 6% tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối năm 2012.

Đây rõ ràng là lượng tiền rất lớn và chắc chắn, không thể không cảnh giác với rủi ro lạm phát từ lượng tiền này.

Xử lý được

Tính toán lý thuyết có thể cho một con số đáng sợ, nhưng trên thực tế có nhiều yếu tố giúp việc xử lý lương tiền bơm ra dễ dàng hơn. Đầu tiên là có thể số nhân tiền tệ đối với số tiền này nhỏ hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia tại Vietcombank, tiền có được bơm ra cũng chưa chắc đã trở thành tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân là sau những khó khăn vừa qua, các ngân hàng đều thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp hạn chế vay tiền khiến cầu tín dụng yếu.

Cuối cùng, hiện có nhiều luồng thông tin cho rằng NHNN sẽ siết chặt các quy định về trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn, nên giới ngân hàng lại càng thận trọng. Do đó, khi dòng tiền từ NHNN đổ về, nhiều khả năng các TCTD sẽ dùng để mua trái phiếu, nên số nhân của lượng tiền này sẽ thấp.

Dù lập luận kể trên có đúng hay sai, có một thực tế là dù chính phủ ra tín hiệu sẽ phát hành khối lượng trái phiếu lớn trong năm 2013 còn NHNN chuẩn bị có động thái bơm tiền ra thị trường, nhưng lợi suất trái phiếu không hề tăng, ngược lại còn đang trên đà giảm.

Trong vòng một tháng trở lại đây, lợi suất TPCP đã giảm khoảng 100 điểm cơ bản đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Có thể thấy, dù lo ngại lạm phát là hiện hữu và đáng chú ý, nhưng nỗi lo ấy chưa đủ lớn để đẩy kỳ vọng lạm phát lên tới mức nguy hiểm.

Thứ hai, tiền bơm ra từ kế hoạch VAMC không phải sẽ ở nguyên trên thị trường, nhiều khả năng NHNN sẽ hút tiền về theo các kênh khác. Đây không phải lần đầu NHNN xử lý được lượng tiền bơm ra cỡ vài trăm nghìn tỷ. Còn nhớ hồi cuối năm 2011 đầu năm 2012, NHNN bơm ra lượng tiền tương đương nhưng sau đó hút về ổn thỏa và không gây xáo trộn nhiều tới lạm phát

Van bơm hút của chính VAMC

Trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhà báo Hải Lý khẳng định luồng tiền từ VAMC là “một vòng quay có thể kiểm soát”. Thực vậy, NHNN có toàn quyền quyết định có cho vay tái chiết khấu đối với trái phiếu VAMC hay không, nên luồng tiền bơm vào thị trường thực chất cũng hoàn toàn trong tay NHNN.

Ngoài công cụ kể trên, ngay chính trong cơ cấu hoạt động của VAMC cũng có 3 chiếc “van thủ tục” hạn chế dòng tiền bơm ào ạt vào nền kinh tế.

Van thứ nhất là chính các TCTD. Theo nguồn tin của chúng tôi,trong số các quyền hạn của VAMC, có quyền “cưỡng bức” TCTD chuyển giao nợ xấu cho mình. Điều đó chứng tỏ, sẽ có “một bộ phận không nhỏ” các TCTD vẫn muốn “giấu lỗ” và ngần ngại tham gia vào “chương trình VAMC”. Dù đây là một thái độ thiếu lành mạnh, nhưng cũng nhờ thế mà số tổ chức đến NHNN “gõ cửa đòi tiền” sẽ ít đi.

Van thứ hai là quy trình thẩm định tại VAMC. Hiện chưa rõ thủ tục đổi nợ xấu lấy trái phiếu VAMC cụ thể như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có thủ tục định giá tài sản bảo đảm vì đây là cơ sở để ước tính tỷ lệ thu hồi nợ xấu kỳ vọng, cơ sở của tỷ lệ chiết khấu của trái phiếu VAMC tại NHNN.

Van thứ ba là kỳ hạn tái cấp vốn. Theo quy định, NHNN chỉ cho vay ngắn hạn nên kỳ hạn này không được quá một năm. Nếu sau một năm mà tình hình giá cả có điểm khó lường, NHNN có thể từ chối gia hạn và thu hồi các khoản vay này. Do luồng tiền bơm vào thị trường đã được hai chiếc “van” ở trên kéo dãn trong một khoảng thời gian dài nên chiếc “van” thứ ba lại càng có thể sử dụng linh hoạt nhờ thời điểm đáo hạn của các khoản vay từ NHNN trải dài trong cả năm chứ không giật cục trong từng thời điểm.

Như phân tích ở trên, có tương đối nhiều công cụ để NHNN kiểm soát luồng tiền bơm ra từ “chương trình VAMC”, và nếu được sử dụng hiệu quả, rủi ro lạm phát là hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Còn thực tế ra sao, thì xin trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, “Thống đốc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về lạm phát.”

Minh Tuấn

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên