MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC sẽ đi vào hoạt động từ ngày 9/7/2013

22-05-2013 - 12:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định về Thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo đó, VAMC sẽ chính thức được thành lập và đi vào hoạt động kể từ ngày 9/7/2013.

Quản trị, điều hành

VAMC có trụ sở chính tại Hà Nội, được lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương sau khi được NHNN chấp thuận. 

Bộ máy quản lý của công ty gồm Hội đồng Thành viên, Ban Kiểm soát và ban Tổng giám đốc, đều do NHNN bổ nhiệm, miễn nhiệm. Hội đồng thành viên sẽ không quá 7 người, Ban kiểm soát không quá 3 và có 1 Tổng giám đốc, 1 phó Tổng giám đốc.

Vốn của VAMC

Vốn điều lệ của VAMC là 500 tỷ đồng. Các nguồn vốn ngoài vốn điều lệ còn có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua nợ xấu; các quỹ được trích lập theo quy định của pháp luật; các nguồn vốn huy động khác theo quy định. 

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Mệnh giá trái phiếu bằng giá mua của các khoản nợ xấu, có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%. Trái phiếu đặc biệt này dùng để vay tái cấp vốn từ NHNN. Mức lãi suất sẽ do Thủ tướng quyết định theo từng thời kỳ.

Hai phương án mua nợ

VAMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt hoặc mua nợ xấu theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Việc mua theo giá trị sổ sách, khoản nợ đó là nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó. TCTD phải bán nợ phải cung cấp cho VAMC thông tin, tài liệu về số dư nợ gốc và toàn bộ số lãi phải trả khách hàng vay chưa thanh toán.

Trường hợp mua nợ xấu theo giá trị thị trường, VAMC sẽ đánh giá các khoản nợ xấu này trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản đảm bảo của nợ xấu. Khi cần thiết, VAMC sẽ thuê tổ chức tư vấn định giá lại khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo.

Có thể trực tiếp xử lý hoặc ủy quyền cho TCTD 

VAMC sẽ mua nợ xấu của các TCTD; thu hồi, đòi nợ và xử lý, bán nợ, bán các tài sản đảm bảo; cơ cấu lại các khoản nợ, chuyển thành góp vốn, góp cổ phần với khách hàng vay....

VAMC cũng được ủy quyền cho TCTD bán nợ thực hiện việc thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo, sửa chữa, khai thác, sử dụng các tài sản đảm bảo thu nợ được...

TCTD có nợ xấu trên 3% phải bán nợ cho VAMC

Tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do NHNN quy định không bán nợ xấu cho VAMC được NHNN xem xét tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; chi phí kiểm toán, định giá do tổ chức tín dụng thanh toán.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho VAMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được NHNN phê duyệt.

Không áp dụng quy định đầu tư ngoài ngành của DNNN với VAMC

Doanh thu của VAMC từ các nguồn tiền thu được từ việc đòi nợ, bán hoặc cho thuê tài sản đảm bảo, từ đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần... Chi phí bao gồm chi phí mua nợ, đòi nợ, tư vấn, môi giới bán tài sản...

VAMC trích dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường. 

VAMC cũng được áp dụng các cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, thưởng và không phải dự phòng cho các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC cũng không áp dụng quy định về đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên