Vẫn né huy động lãi suất cao
Các NHTM vẫn đang chạy đua cạnh tranh thu hút tiền gửi từ khách hàng bằng cách cộng thêm lãi suất và các chương trình khuyến mại
Đầu tuần này, trước việc Vietcombank hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất huy động mới trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế các NHTM đang chạy đua cạnh tranh thu hút tiền gửi từ khách hàng bằng cách cộng thêm lãi suất và các chương trình khuyến mại để dòng tiền không chuyển sang kênh đầu tư khác.
NHTMNN lãi suất thấp
Từ cuối tháng 5, nhiều NHTMCP đã tiến hành áp dụng biểu lãi suất huy động mới nhưng không thay đổi so với lãi suất trước đó. Tuy nhiên, mới đây, ngày 9-6 Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất một số kỳ hạn đối với tiền gửi tiết kiệm gây xôn xao thị trường. Cụ thể lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank giảm từ 5,3%/năm xuống còn 5,1%/năm; kỳ hạn 3 và 6 tháng giảm 0,1% xuống còn lần lượt 5,6%/năm và 5,9%/năm.
Như vậy, ở thời điểm này, lãi suất huy động của nhóm NHTM quốc doanh kỳ hạn dưới 6 tháng đều dưới mức trần quy định của NHNN. Cụ thể, lãi suất huy động tại VietinBank kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng 5,75%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng 5%/năm. Tại BIDV, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng lãi suất 5,25%/năm, kỳ hạn 2 tháng 5,5%/năm và kỳ hạn 3 tháng 5,75%/năm. Nhân viên các NH này cho biết khách hàng gửi mới chỉ áp dụng mức lãi suất như biểu lãi suất quy định, không ưu đãi cộng thêm.
Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết tính đến ngày 23-5, huy động vốn tăng 4,2% và tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 1,31% so với cuối 2013. Hiện nay thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Theo báo cáo của NHNN, trong tuần cuối của tháng 5, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường đã có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm trong tuần ở mức 2,16%/năm, giảm 1,26%/năm so với so với tuần trước đó; các kỳ hạn dưới 6 tháng còn lại, lãi suất bình quân trong tuần dao động trong khoảng 2,7-4,82%/năm, giảm từ 0,11-1,02%/năm.
Vì vậy, nhiều dự đoán cho rằng thị trường sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất huy động. Đây không phải là lần đầu tiên Vietcombank đi tiên phong hạ lãi suất huy động, nhưng ở lần hạ lãi suất hồi tháng 5 năm ngoái, động thái này cũng không kéo lãi suất huy động trên thị trường giảm xuống.
NHTMCP cạnh tranh gay gắt
Theo ghi nhận của chúng tôi đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất của nhóm NHTMCP vẫn chưa có thay đổi. Nhóm các NH lớn lãi suất kỳ hạn 1 tháng đều dưới 6%/năm và lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên dưới 8%/năm, trong khi các NHTM khác lãi suất ngắn hạn đều chạm trần huy động kỳ hạn ngắn và từ 6 tháng trở lên ở mức khá cao.
Tuy nhiên, nhân viên giao dịch của một NHTMCP lớn có trụ sở tại TPHCM cho biết dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng dưới 6%/năm nhưng NH này có chính sách cộng thêm lãi suất cho khách hàng, như kỳ hạn từ 1-3 tháng được hưởng lãi suất thưởng bậc thang nếu số dư giữ đúng hạn, gửi kỳ hạn 2-3 tháng được cộng thêm 0,3%; gửi kỳ hạn 1 tháng từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng được cộng thêm 0,2%, từ 2-5 tỷ đồng cộng thêm 0,25%, trên 5 tỷ cộng thêm 0,3%.
Với mức thưởng như vậy, nếu gửi kỳ hạn 1 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất trên 6%/năm. Song song đó, các NHTM đẩy mạnh cạnh tranh với nhiều chương trình khuyến mại tiền gửi lớn, như OCB có chương trình “Khám phá thiên đường du lịch cùng OCB” với giải thưởng chuyến du lịch đảo Jeju Hàn Quốc trị giá 45 triệu đồng; VPBank với chương trình “Tiết kiệm an toàn - An tâm Du lịch”; Sacombank triển khai chương trình khuyến mại “Hè rộn ràng - Ngàn niềm vui” với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 16 tỷ đồng; OceanBank triển khai chương trình khuyến mại “Gửi 1 tỷ, tặng 1 chỉ vàng”; BIDV có chương trình khuyến mại “Tiền gửi may mắn trọn niềm vui” với giải thưởng cao nhất là xe ô tô Honda Civic.
Tính đến hết quý I, dù tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chưa cao, nhưng mức tăng cũng đã gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét riêng lẻ, nhiều NHTMCP đã có khởi sắc về tín dụng. Cụ thể, lãnh đạo VietcapitalBank cho biết 4 tháng đầu năm huy động tăng 9,9%, tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%. Tại NamABank, tăng trưởng tín dụng quý I đạt trên 7% và NH này dự kiến đề xuất NHNN nới room tín dụng nếu thị trường phục hồi tốt. Trong báo cáo tài chính quý I, VIB thông báo tăng trưởng tín dụng đạt 7,1%, TPBank đạt 12%.
Tổng giám đốc một NHTMCP nhận xét, thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm thấp nhưng cuối năm tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn. Hiện nay, cho vay doanh nghiệp tạm thời bị nghẽn, nhiều NH đang tập trung vào mảng bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân để chờ thị trường phục hồi. Vì vậy, các NH vẫn phải cạnh tranh huy động vốn, bởi tâm lý người gửi tiền cho rằng lãi suất 6%/năm rất thấp, nếu NH hạ lãi suất sẽ có thể đối mặt “bẫy thanh khoản” do người dân không mặn mà với gửi tiết kiệm.
Đặc biệt, trong bối cảnh vàng, USD và chứng khoán dù biến động khó lường nhưng đang nhận được sự quan tâm của người dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đã buộc các NHTM phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách hàng tiền gửi đón đầu mùa kinh doanh cuối năm.
>>> Ngân hàng lại hạ lãi suất huy động
Theo Đỗ Linh