MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn niêm yết giá bằng ngoại tệ

16-07-2013 - 09:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết từ đầu năm 2013 đến nay đã xử phạt hàng chục vụ niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ.

Sau một thời gian im ắng, tình trạng niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng USD bùng phát trở lại thời gian gần đây. Nhiều cửa hàng dù niêm yết giá hàng hóa bằng VND nhưng vẫn nhận thanh toán bằng USD.

Thanh toán bằng USD

Sáng 11-7, cùng với nhiều du khách nước ngoài, chúng tôi có mặt tại thương xá Tax (đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) để mua hàng. Hỏi giá máy ảnh Canon G15, chủ cửa hàng VH báo giá 390 USD, nếu thanh toán bằng VND, tỉ giá quy đổi là 21.750 đồng/USD, tương đương 8,482 triệu đồng.

Chủ cửa hàng này cho biết để nhập khẩu hàng phải mua USD tại thị trường tự do, vì thế khi bán phải quy theo giá USD để “bảo toàn vốn”. Trường hợp niêm yết giá bằng VND cũng chỉ mang tính tham khảo vì tỉ giá thay đổi mỗi ngày.

Tại cửa hàng chính thức của Sony đặt ở trung tâm thương mại này, khi chúng tôi hỏi mua chiếc máy quay phim giá gần 28 triệu đồng, yêu cầu được thanh toán bằng tiền USD, nhân viên cửa hàng cũng đồng ý nhận.

Tại cửa hàng bán máy chụp hình LN, chiếc máy chụp hình Nikon có giá 32 triệu đồng cũng được quy đổi ra 1.500 USD.

Điểm đặc biệt là dù các cửa hàng ở cùng một khu vực nhưng tỉ giá lại chênh lệch khá nhiều. Tại quầy hàng điện tử Sony, tỉ giá được quy đổi ở mức 21.000 đồng/USD, trong khi khu vực khác lại ở mức 21.650 đồng/USD hoặc 21.500 đồng/USD. Giải thích về điều này, nhân viên bán hàng tại đây cho biết đó là điều bình thường vì mấy ngày gần đây giá USD biến động liên tục.

Không chỉ hàng hóa, các công ty dịch vụ du lịch cũng niêm yết giá hoặc nhận thanh toán bằng USD. Tại một công ty du lịch trên đường Pasteur (Q.3), giá tour đi Thái Lan sáu ngày được niêm yết bằng VND với giá gần 10 triệu đồng, nhưng khi khách hàng có nhu cầu công ty này vẫn nhận thanh toán bằng USD.

Trên các trang web khách sạn tại các trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc... nhiều khách sạn, resort vẫn công khai niêm yết giá các loại dịch vụ bằng USD. Trên trang web của resort có tên BO (Phú Quốc) thậm chí tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ tại đây đều được niêm yết bằng USD với giá từ 65-120 USD/sản phẩm dịch vụ chứ không hề nhắc đến việc thanh toán bằng VND.

Còn trên website của khách sạn Hương Biển (Phú Quốc), khách hàng có thể trả tiền phòng bằng nhiều loại ngoại tệ khác nhau.

Lý lẽ cũ

Các doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để lý giải việc niêm yết giá bằng ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết phải thanh toán bằng USD nhưng hiện nay việc mua USD rất khó khăn, một số trường hợp phải trả giá cao hơn, vì thế phải niêm yết giá bán bằng USD để “bảo toàn vốn”. Số khác cho rằng nếu niêm yết giá bằng VND, giá cả sẽ biến động liên tục ảnh hưởng đến kinh doanh. Vì vậy, niêm yết giá bằng USD để khỏi phải liên tục điều chỉnh giá bán...

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp khi bán hàng hóa ở mức giá nào đều phải tính toán mọi yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm, dịch vụ, trong đó có biến động của tỉ giá chứ không thể viện lý do này để niêm yết giá bằng ngoại tệ, đẩy rủi ro cho người tiêu dùng đồng thời dẫn đến việc mỗi đợt tỉ giá tăng, giá hàng hóa dịch vụ lại tăng theo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, từ đầu năm 2013 đến nay đã có hàng chục vụ niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ bị Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý thị trường phát hiện và xử phạt. Những trường hợp bị xử phạt thời gian qua chủ yếu rơi vào cửa hàng mỹ phẩm, ăn uống, cho thuê văn phòng...

Ông Minh cho biết những ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ lên kế hoạch phối hợp hành động với các cơ quan liên quan như công an, quản lý thị trường. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tiến hành trên diện rộng. Những hình thức lách luật như ghi đơn giá bằng VND nhưng quy đổi song song USD, hoặc bảo đảm bằng ngoại tệ dưới hình thức kèm tỉ giá tham khảo đều xem là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ VN và bị xử phạt.

Theo ông Minh, trên lãnh thổ VN mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các tổ chức tín dụng, hải quan, sân bay. Trường hợp đặc biệt phải giải trình được việc niêm yết giá ngoại tệ là hợp lý. Đích thân thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho phép nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được niêm yết giá theo cơ chế đặc biệt này.

Tràn lan niêm yết thanh toán bằng USD

Không khó để tìm thấy tình trạng đôla hóa tái diễn trên các phố cổ ở Hà Nội, nơi tập trung nhiều văn phòng bán vé máy bay, giới thiệu các thông tin du lịch trong nước, và các dịch vụ phục vụ du khách quốc tế đến Hà Nội. Dọc theo các phố như Mã Mây, Ngõ Huyện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Hành... các biển niêm yết giá dịch vụ được trưng bày công khai. Các văn phòng du lịch giới thiệu và tổ chức tour còn kèm theo các dịch vụ cũng niêm yết giá bằng USD. Văn phòng Sing cafe in Ha Noi (9A Lương Ngọc Quyến) niêm yết giá taxi đi từ Hà Nội ra sân bay 11 USD.


Tại phố Ngõ Huyện, đập vào mắt người đi đường là những tấm biển rất to niêm yết công khai giá phòng, giá tour du lịch... bằng USD. Để du khách thuận tiện nắm được giá, các bảng này được treo cố định ngay phía ngoài văn phòng du lịch. Đơn cử, tại số 1 phố Ngõ Huyện, giá phòng là 5-10 USD/ngày, còn tour đi Hạ Long thì 15 USD/ngày/người...


Không niêm yết giá USD, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Bảo Khánh, phố Hàng Gai... cũng đưa giá tính bằng tiền USD khi có du khách nước ngoài hỏi mua. Một chiếc khăn thổ cẩm giá 5 USD, tấm sáo trúc 3 USD, hay tranh dân gian Đông Hồ giá 3 USD/bức... Ngay cả tiền quà ở vỉa hè, du khách cũng phải trả bằng USD. Ghi nhận vào lúc 11g tại Ngõ Huyện, một du khách người Cuba đã trả 2 USD cho ba ổ bánh mì patê. Người bán bánh mì cho biết tiền nào chả là tiền, dù USD hay VND.


Tại khắp các ngõ ngách, nơi nào có cửa hàng bán quần áo, giày dép có treo biển “made in VN” hay hàng VN xuất khẩu thì thông thường cũng ghi hai loại tiền là VND và USD.



Sẽ tước giấy phép kinh doanh

Theo nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, mức xử phạt đối với các hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng... được nâng lên mức 300-500 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh. Ngoài ra còn bị tịch thu tang vật nếu mua bán thanh toán ngoại tệ, thanh toán tiền, hàng hóa, dịch vụ bằng vàng, kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định...


Theo Ánh Hồng – Dũng Tuấn

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên