MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay tín chấp: Của khôn, người khó

01-10-2014 - 21:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn vay vì thiếu tài sản đảm bảo.

Cần có thêm cơ chế hỗ trợ DN như giảm thuế, lãi vay cũng như đẩy mạnh tín dụng tín chấp dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Thiếu tài sản thế chấp

Đại diện một DN có trụ sở trên địa bàn TP.HCM cho rằng, thị trường hiện vẫn đang khó khăn, sức mua và tồn kho chưa cải thiện, tài sản đảm bảo cạn nên DN không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay thì cũng không thể kỳ vọng vay được vốn tín chấp.

Vì thế, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng cường xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp cần được triển khai mạnh mẽ. Có vậy những DN có dự án kinh doanh khả thi nhưng thiếu tài sản đảm bảo vẫn có thể tiếp cận vốn vay vào cuối năm nay.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, nhu cầu vay vốn vào cuối năm luôn cao nhưng không phải DN nào cũng còn tài sản để thế chấp nên NH cần tăng cường hỗ trợ vốn tín chấp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

"Chủ trương về tăng cho vay tín chấp đã được NHNN đưa ra nhưng thực tế triển khai còn xa vời. Ngân hàng Thương mại (NHTM) chịu sự chỉ đạo của NHNN nên cũng phải thận trọng trong cho vay, nhất là với tín dụng tín chấp. Thế nhưng, nếu không hỗ trợ DN vượt qua khó khăn lúc này thì NH cũng khó có thể tăng trưởng tín dụng", ông Hưng nói.

Liên quan vấn đề cho vay tín chấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đang xây dựng nghị định mới về cho vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 41 ra đời năm 2008, sơ kết 5 năm cho thấy, đã phát huy hiệu quả với tổng dư nợ trong nông nghiệp tăng 2,5 lần.

Về lý thuyết, mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của DN trong tiếp cận vốn vay, nhưng lại cạn tài sản để thế chấp. Trong khi, tín dụng 8 tháng đầu năm mới tăng trưởng gần 6% và khả năng khó đạt mục tiêu 12-14%.

Vì vậy, NHNN mới đây đã có văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH gửi các NHTM yêu cầu đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, nhất là cho vay tín chấp.

NHNN yêu cầu các NHTM xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tới 23/9 là 6,73%.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,11%, giảm so với mức 4,17% cuối tháng 6. Nguyên nhân gây nợ xấu một phần do dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm rất lớn, nên trong bối cảnh DN vẫn khó khăn thì nợ xấu tăng lên.

Cho đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% cuối năm 2011. Trần lãi suất đến nay chỉ còn để trần 6 tháng nhưng lãi suất thị trường ổn định, không còn tình trạng cạnh tranh.
Tuy nhiên, vốn cho vay tín chấp chỉ dành cho những DN có dự án kinh doanh tốt nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vậy nên, khi chủ trương trên được đưa ra đã gặp phải phản ứng từ phía các NHTM và đến nay cũng chưa được thực thi.

Chính một lãnh đạo trong ngành cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng nên NH không thể ồ ạt cho vay. Do đó, NH triển khai tín dụng tín chấp có sự chọn lọc rất gắt gao.

Cần có cơ chế mới xếp hạng tín nhiệm

Thực tế, NH đã triển khai cho vay tín chấp từ lâu, nhưng 3 năm trở lại đây, dường như tín dụng tín chấp thu hẹp khi nợ xấu tăng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, hiện các NHTM trên địa bàn đang triển khai xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp, song cũng rất dè chừng và chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Bởi rủi ro trong cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn. Vì thế, NH buộc phải sàng lọc kỹ khách hàng và chỉ cấp tín dụng đối với DN có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi cao.

Thừa nhận khó khăn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết, NH cũng rất tiếc vì có những đơn vị có dự án rất tốt, nhưng điều kiện vay không đủ nên không thể cho vay. Do đó, cần lập một trung tâm hỗ trợ cho vay, từ đó, tập hợp dữ liệu, tạo cơ sở để NH mạnh dạn cho vay.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, NH thừa vốn, DN đói vốn nên càng cần có chính sách hỗ trợ để giúp DN vượt qua khó khăn. Ngoài chính sách giảm lãi suất, thuế và các ưu đãi, nên có chính sách cho vay tín chấp dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của từng NHTM.

Đồng quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ở các nước trên thế giới, NH thường có tổ chức xếp hạng tín nhiệm riêng đối với DN để tăng cung ứng vốn bằng cách cho vay tín chấp, tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo tài sản thế chấp...

Tuy nhiên, DN Việt Nam hiện nay có năng lực viết báo cáo và lên kế hoạch thực hiện dự án còn yếu kém. Đồng thời, tính minh bạch trong các báo cáo kết quả cũng như sổ sách kế toán chưa xây dựng được niềm tin cho NH nên rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Nguyên nhân, nợ xấu và năng lực cạnh tranh DN yếu kém, thiếu minh bạch nên NH ngại rủi ro gia tăng. Vì thế, tín dụng cho các DN tăng trưởng rất chậm, theo số liệu thống kê, cả năm 2013 chỉ tăng khoảng 0,95% so với cuối năm 2012...


Theo Linh Chi

hangnt

Doanh nhân Sài gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên