Vay xuất khẩu nhộn nhịp vào mùa
Nhiều DN muốn vay ngắn hạn cho đơn hàng quý IV, các NH bung sản phẩm dịch vụ đón cơ hội mới.
DN muốn tăng hạn mức
Ông Hoàng Hữu Thành – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thuận An (Tafishco) cho biết, hiện nay các DN thủy sản ở khu vực ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ các đơn hàng xuất khẩu (XK) trong dịp Tết Dương lịch và Lễ Noel.
Hiện các công ty chế biến thủy sản có vùng nuôi lớn và có khả năng tự cung ứng nguyên liệu tốt đã bắt đầu tập trung vốn cho các lô hàng phục vụ thị trường cuối năm sẽ giao cho đối tác vào 2-3 tháng tới. Do đó nhu cầu vốn ngắn hạn để thu mua cá nguyên liệu trong dân cũng bắt đầu tăng ở nhiều địa phương.
Riêng Tafishco, ông Thành cho hay, mỗi tháng DN này đang xuất đi đều đặn khoảng 1.000-1.200 tấn cá tra fillet các loại. Trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, lượng hàng xuất đi có thể tăng lên vài trăm tấn mỗi tháng, vì thế nguồn vốn ngắn hạn để DN chủ động nhận đơn hàng và thu mua nguyên liệu là rất cần thiết. “Hiện nay chúng tôi mới chỉ chủ động được khoảng 50% vốn để thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến XK. Vì thế công ty vẫn còn cần vay thêm một lượng vốn lớn khoảng vài trăm tỷ đồng cho các tháng tới”-ông Thành nói.
Trong khi đó, ở lĩnh vực trái cây XK, ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho hay, thời gian qua công ty đã tận dụng được từ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN.
Theo đó, mỗi USD thu về từ các lô hàng XK đã có thể được cộng thêm hơn 2.000 đồng chênh lệch. Tuy nhiên, các tháng tới đây DN kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong năm. Với sự tài trợ vốn của Agribank chi nhánh An Giang, Antesco đã hoàn thành xong nhà máy chế biến mới tại huyện Châu Phú, nâng công suất chế biến của DN lên gần 20.000 tấn nguyên liệu/năm.
Do vậy ngoài hạn mức thông thường vẫn được các NHTM cho vay hàng năm thì năm nay DN sẽ cần gấp đôi nguồn vốn để mua nguyên liệu bắp non, đậu nành và các loại trái cây từ các vùng nguyên liệu mà công ty đã xây dựng.
Ở góc độ ngành hàng, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, bước sang quý III và quý IV/2015, các DN thủy sản có thể sẽ dễ thở hơn. Kim ngạch XK 6 tháng cuối năm của ngành cá tra có thể đạt khoảng 948 triệu USD. Tuy nhiên, hiện mặt hàng thủy sản đang trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp do cạnh tranh nguồn cung tăng và giá các nguồn cung lớn giảm thấp.
Chính vì vậy, trong các tháng cuối năm, NHNN nếu cân đối tổng thể vĩ mô có thể điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, XK ngành nông - thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay. Đồng thời tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay để các DN chủ động vốn cho các đơn hàng phục vụ nhu cầu Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán vào cuối năm.
Nhiều gói sản phẩm “bắt sóng”
Trao đổi với phóng viên , ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc VietinBank chi nhánh Đồng Tháp cho hay, nhu cầu vay vốn mới của DN XK nông - thủy sản trong các tháng cuối năm tăng rất cao. Hiện NH này triển khai hàng loạt các sản phẩm tài chính mới để hỗ trợ cộng đồng DN.
Các tháng cuối năm là thời điểm “lợi kép” của DN vay vốn xuất khẩu
Cụ thể, NH này đưa ra các chương trình lớn, như: “Chung sức vươn xa cùng DN xuất nhập khẩu”, “Kết nối khách hàng tiềm năng”... Khi tham gia các chương trình này, DN sẽ được cam kết thanh toán chuyển tiền đúng kỳ hạn, giúp giảm lãi suất cho vay từ 2 - 3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.
Ngoài ra, VietinBank còn cung cấp sản phẩm UPAS LC. Khi tham gia sản phẩm này, các DN sẽ được cấp tín dụng ngoại tệ với lãi suất chỉ khoảng 2,2% - 3%/năm trên cơ sở nguồn vốn huy động ưu đãi mà NH nước ngoài dành cho VietinBank, đặc biệt là nguồn vốn rẻ từ NH Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật Bản - một đối tác chiến lược của VietinBank).
Một số NHTM khác hiện nay cũng bắt đầu bung các gói sản phẩm tài chính mới để “bắt sóng” DN mùa cao điểm XK. Chẳng hạn mới đây, HDBank dành ra 4.000 tỷ đồng để cho các DN vay vốn đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm. Khi tham gia gói này, các DN có thể dùng thẻ tiết kiệm VND hoặc USD để vay vốn ngắn hạn lãi suất 6,5%/năm và được giữ cố định trong suốt thời gian vay.
Hay VPBank cũng vừa đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng là DNNVV cần vốn lưu động để kinh doanh các tháng cuối năm với lãi suất giảm từ 1,8 – 2% so với biểu lãi suất thông thường. Các NH khác như ABBank, SCB cũng lần lượt đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới của mình nhằm hỗ trợ thị trường kinh doanh, XK cuối năm với tổng trị giá mỗi gói vay từ 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn, DN có sẵn đơn hàng và có nguồn ngọai tệ tái tạo nên cũng không e ngại nếu có rủi ro biến động tỷ giá. Chính vì thế, đây là thời điểm dễ dàng nhất để các NHTM đẩy mạnh cho vay XK cũng là thời điểm các DN dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn rẻ.
Ông Võ Ngọc Diệp, cho biết thời điểm này các DN XK vay vốn ngắn hạn là tương đối thuận lợi bởi từ đầu năm đến nay với sự điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá giữa đồng nội tệ với đồng USD đã tăng thêm 5%. Khi các DN vay ngoại tệ từ các NHTM để chi trả cho việc thu mua nguyên liệu sẽ được giải ngân bằng tiền đồng, vì thế được hưởng lợi hai lần.
Thứ nhất, lãi suất vay ngoại tệ thấp - hiện mặt bằng lãi suất cho vay USD phổ biến hỗ trợ các DN xuất khẩu ở mức 1,6-4,5%/năm với khoản vay ngắn hạn, thấp hơn các lãi suất vay VND cho các DN này từ 3-4%/năm (đã loại trừ yếu tố tỷ giá). Thứ hai, khi giải ngân bằng tiền đồng các DN sẽ được hưởng lợi hơn 2.000 đồng/USD do chênh lệch tỷ giá, từ đó có nhiều tiền hơn để thu mua nguyên liệu.