VEPR: Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động
Các chuyên gia cho rằng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
- 22-01-2016Nhiều khả năng trong năm 2016 sẽ giữ nguyên trần lãi suất huy động
- 20-01-2016Chấn chỉnh hiện tượng vượt trần lãi suất huy động
- 03-12-2015Có nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng?
- 20-11-2015Có nên quy định trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)?
Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV/2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cầu tín dụng năm 2015 tăng cao hơn so với năm 2014 và tương đối ổn định trong các tháng cuối năm.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng tính đến 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong quý IV tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5-3,7%. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.
Theo thống kê của NHNN, có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5%/năm trong tháng 12. Trong khi tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước. Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cho rằng nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, cơ quan điều hành cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.
“Chúng tôi cho rằng mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12-15%, và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất”, VEPR nêu quan điểm.
Cụ thể, có thể xem xét điều chính tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016.
"Chúng tôi cho rằng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn", cơ quan này khuyến nghị.