MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chưa nên áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu

18-05-2013 - 20:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu đòi hỏi một cơ chế tỷ giá linh hoạt, nhưng chính điều này có thể gây bất ổn tài chính.

Đó là nhận định của các chuyên gia khi tham dự Hội thảo “ Chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu: Sự lựa chọn thích hợp cho Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP phối hợp tổ chức sáng nay (ngày 18/5/2013), tại Hà Nội.

Theo các nhà nghiên cứu, việc lựa chọn cơ chế lạm phát mục tiêu đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là việc theo đuổi chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu sẽ giúp cho các nhà điều hành kiểm soát được kỳ vọng lạm phát và ổn định lạm phát, làm giảm tác động của các cú sốc kinh tế, thúc đẩy sự ổn định của giá cả, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy ổn định tăng trưởng và việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc theo đuổi cơ chế chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức chính như việc áp dụng cơ chế này dễ làm suy yếu độ tin cậy của ngân hàng trung ương.

Bên cạnh đó, việc theo đuổi chính sách này cũng không thể ngăn chặn hoàn sự chi phối của chính tài chính; việc áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu đòi hỏi một cơ chế tỷ giá linh hoạt, nhưng chính điều này có thể gây bất ổn tài chính.

Do đó các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, nếu quyết định áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu mỗi quốc gia cần có tính toán riêng của mình để thiết lập một lộ trình và một khuôn khổ phù hợp với đặc thì kinh tế của quốc gia, qua đó làm giảm những yếu điểm có thể mắc phải, đồng thời nâng cao tính hiệu quả khi áp dụng cơ chế lạm phát mục tiêu.

Việt Nam chưa nên áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu

Theo các chuyên gia, việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm hướng tới mục tiêu ổn định lạm phát ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như: Sức ép đối với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn còn lớn. Đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế ở Việt nam còn thiên về tăng trưởng dựa vào lượng, tức là dựa nhiều vào vốn mà chưa nâng cao chất lượng hiệu quả sử dụng vốn, trong khi đó các doanh nghiệp lại phụ thuộc lớn vào vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, Việt Nam khó đo lường tổng lượng tiền trong nền kinh tế một cách chính xác trong điều kiện nền kinh tế còn có tình trạng đô la hóa, vàng hóa cao.

Thứ ba, thị trường tài chính chưa phát triển đầy đủ đã ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ

Thứ tư, lạm phát của Việt Nam hiện nay còn chịu ảnh hưởng lớn của các cú sốc từ bên ngoài.

Thêm vào đó, khi nghiên cứu các điều kiện nền tảng để áp dụng khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu, mặc dù có những điều kiện thuận lợi nhất định, song so với những tiêu chí cơ bản để áp dụng thành công chính sách này thì Việt Nam vẫn còn thiếu khi mà hầu hết các điều kiện ban đầu chưa đáp ứng đầy đủ.

Chính vì thế các chuyên gia tham dự hội thảo đều cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa nên áp dụng ngay và toàn bộ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu.

Về mặt trung hạn, đa số các ý kiến cho rằng Việt Nam nên theo đuổi khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu vì đây là một chính sách tiền tệ có cơ chế vận hành tốt.

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu ngay từ bây giờ Việt Nam cần bắt tay vào việc hoàn thiện những điều kiện cơ bản, tạo lập tiền đề để cho quá trình áp dụng chính sách này khi mà nền kinh tế đã hội tụ đầy đủ các điều kiện.

Khánh Linh 

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên