MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngân hàng trực tuyến

17-02-2014 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong tương lai không xa, ngân hàng trực tuyến sẽ là tất yếu và thậm chí có thể thay thế các phòng giao dịch truyền thống.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ nói chung và ngân hàng trực tuyến nói riêng đang được các nhà băng chú trọng đầu tư và phát triển, thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng bởi những tiện ích mà nó đem lại. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dùng e ngại những rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm ngân hàng gia tăng với tốc độ nhanh trong thời gian qua, bên cạnh những khó khăn về công nghệ, thủ tục… nên chưa mở lòng với hoạt động ngân hàng trực tuyến.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong tương lai không xa, ngân hàng trực tuyến sẽ là tất yếu và thậm chí có thể thay thế các phòng giao dịch truyền thống. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Rahn Wood, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB về xu hướng của ngân hàng trực tuyến ở Việt Nam.

PV: Thưa ông, ngân hàng trực tuyến phát triển khá mạnh ở nước ta trong 2 năm trở lại đây, tuy nhiên vẫn rất nhiều người không sẵn sàng sử dụng ngân hàng trực tuyến vì e ngại thủ tục rắc rối và không an toàn, vậy các ngân hàng phải làm gì để khách hàng yên tâm?

Ông Rahn Wood: Đúng là dịch vụ ngân hàng trực tuyến ở Việt Nam phát triển rất nhanh và ngày càng thu hút đông đảo khách hàng mỗi khi nhà băng phát triển và cho ra mắt các tính năng mới. 

Ông Rahn Wood, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của VIB

Trên thế giới, khi dịch vụ ngân hàng trực tuyến lần đầu ra mắt, khách hàng cũng cảm thấy lo lắng và e ngại vì sự bảo mật của nó. Tuy nhiên, dần dần có thể thấy được rằng, các ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề an toàn, đặc biệt khi khách hàng thực hiện các biện pháp bảo mật cần thiết trên máy tính của họ, bao gồm việc cập nhật liên tục các phần mềm diệt virus.

Do đó, bên cạnh việc kiểm tra cơ sở hạ tầng trong việc chống lại các cuộc tấn công của hacker, ngân hàng cũng nên chú trọng hướng dẫn khách hàng bảo mật các thông tin cá nhân, mật khẩu và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật trên máy tính của họ. Tại một số các nước phát triển, sử dụng internet banking thậm chí được khuyến khích vì luật pháp sẽ bảo vệ khách hàng nếu họ chứng minh họ không tham gia vào các hành vi vi phạm.


Với các ngân hàng thì những khó khăn và thách thức trong phát triển ngân hàng trực tuyến là gì, thưa ông?

Nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến ngày càng cao và khách hàng thì luôn trông chờ các dịch vụ và tính năng mới sẽ được phát triển và cập nhật.

Có một vài thách thức đối với sự phát triển ngân hàng trực tuyến tại Việt Nam. Trước hết đó là khách hàng có nhiều sự lựa chọn thay thế như đến giao dịch tại chi nhánh hay thanh toán trực tiếp (ví dụ như các hoá đơn thanh toán tại nhà). Một rào cản nữa đó là sự thiếu tự tin trong việc sử dụng công nghệ đối với các vấn đề liên quan đến tài chính của phần đông người Việt Nam. Bên cạnh đó số lượng người sử dụng các dịch vụ ngân hàng của Việt Nam chưa nhiều như một số các nước phát triển khác.

Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng hoạt động ngân hàng trực tuyến ở Việt Nam?

Tương lai không xa, những người sử dụng Internet banking sẽ tăng lên do xu hướng sử dụng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trẻ, họ rất cởi mở với những công nghệ mới, điều này là một lợi thế đối với các ngân hàng. Nhiều ngân hàng hiện nay đã đầu tư xây dựng nền tảng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt để sẵn sàng đem đến dịch vụ ngân hàng trực tuyến (bao gồm Internet Banking và Mobile Banking) với nhiều tiện ích cho khách hàng. Tôi tin rằng sẽ có ngày càng nhiều khách hàng hứng thú với sự thuận tiện và khả năng kiểm soát (24/7) mà dịch vụ này đem lại.

Trong bối cảnh Việt Nam là một thị trường mới và năng động, thì ngân hàng trực tuyến sẽ là một dịch vụ cực kỳ quan trọng được cả khách hàng cá nhân cũng như khách hàng doanh nghiệp kỳ vọng. Chúng tôi hoàn toàn hy vọng rằng ở trung và dài hạn các khách hàng sẽ không bị hạn chế bởi phương thức giao dịch truyền thống và sẽ sẵn sàng cân nhắc sử dụng ngân hàng trực tuyến cũng như các giải pháp giao dịch trên nền công nghệ khác.

Ngân hàng điện tử được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu nhưng ở trong nước vẫn còn khá mới mẻ, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các ngân hàng nội với các ngân hàng ngoại?

Các ngân hàng nội địa có rất nhiều lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho khách hàng. Ví dụ như với dịch vụ ngân hàng trực tuyến của VIB, chúng tôi cung cấp cho khách hàng một số tính năng lợi thế như thanh toán hoá đơn (hoá đơn tiền điện, hoá đơn điện thoại trả sau) và nạp tiền điện thoại. Đó là lợi thế mà chúng tôi có được do các mối quan hệ của chúng tôi ở thị trường trong nước, cũng như các ngân hàng nước ngoài sẽ có lợi thế nhất định tại thị trường nước họ.

Một lợi thế của các ngân hàng ngoại đó là công nghệ hiện đại, tuy nhiên, các ngân hàng nội địa hiện nay đã chú trọng hơn đến yếu tố này. Tại VIB, chúng tôi đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, cộng với sự chuyển giao công nghệ từ cổ đông chiến lược là ngân hàng CBA của Úc để cho ra mắt dịch vụ Internet Banking thế hệ mới với nhiều tính năng ưu việt và bảo mật cao.

Trong hoạt động kinh doanh, một số ngân hàng nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến với tính năng rất phong phú mà các ngân hàng địa phương không sẵn có. Tuy nhiên, tôi cho rằng những dịch vụ này có thể chưa thực sự cần thiết hoặc bản thân những khách hàng sử dụng chúng chưa có nhu cầu, ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ hoặc các doanh nghiệp không có giao thương quốc tế, những khách hàng này có thể vẫn hài lòng với những dịch vụ được Ngân hàng nội địa cung cấp.

Vâng, xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!


Nguyễn Hằng (thực hiện)

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên