MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VND lên giá: Không thể xem thường

22-03-2015 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng VND lên giá nếu có tác động tiêu cực thì chủ yếu làm giảm xuất khẩu nhưng xuất khẩu có thể vẫn không ảnh hưởng nếu DN áp dụng các biện pháp phòng tránh. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế có dễ thực hiện?

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Nội dung nổi bật

- Nhiều ý kiến cho rằng VND lên giá nếu có tác động tiêu cực thì chủ yếu làm giảm xuất khẩu nhưng xuất khẩu có thể vẫn không ảnh hưởng nếu DN áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Không có lo lắng nào về việc VND lên giá tác động tiêu ực lên nhập khẩu

- Trong con mắt của nhiều người, phá giá hay không phá giá VND chỉ là đánh đổi thuần túy những cái được và mất và không nên phá giá VND lúc này.

- Theo TS Phan Minh Ngọc thì nếu tỷ giá tăng lên sẽ tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước

- Việc đảm bảo xuất khẩu không ảnh hưởng không phải là miễn phí và còn có rủi ro trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá lên cao


Việc neo giá trị VND với USD đã làm cho VND lên giá so với bản tệ của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới và trong khu vực. Việc phá giá VND bởi vậy đã ngày càng trở nên cấp thiết cùng với đà tăng giá của USD với phần lớn các đồng bản tệ trên thế giới. Tuy nhiên, phản ứng hiện nay cho thấy câu chuyện phá giá xem ra không dễ mà thực hiện. Lực cản vẫn chủ yếu đến từ những luồng ý kiến xem nhẹ tác động tiêu cực của VND lên giá.

Nhiều người vẫn cho rằng nếu có tác động tiêu cực thì chủ yếu đó là làm giảm xuất khẩu của VIệt Nam. Nhưng, theo họ, xuất khẩu của Việt Nam có thể vẫn không bị ảnh hưởng nhiều nếu các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, đa dạng hóa thị trường, hạ chi phí sản xuất để hạ giá xuất khẩu, tăng cường marketing, rồi thì tiến hành các biện pháp xyz…

Ngược lại, về mặt nhập khẩu, hầu như không một ai tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực của VND lên giá, mặc dù như đã chỉ ra, VND lên giá sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu, và, do đó, lấn át sản xuất trong nước, dẫn đến khả năng tăng trưởng chậm lại. Thậm chí, họ còn cho rằng không phá giá thì sẽ tốt cho doanh nghiệp trong nước, tốt cho kinh tế vĩ mô, vì VND lên giá làm giảm áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Như thế, trong con mắt của nhiều người, sự phá giá hay không phá giá chỉ là một sự đánh đổi thuần túy giữa những cái được và những cái mất, và về tổng thể, vì không rõ lợi hay hại cái nào lớn hơn, trong khi phá giá sẽ lạ gây ra những xáo trộn trong sản xuất, kinh doanh, nên tóm lại, tốt nhất là không nên phá giá VND (bây giờ)!

Lối tư duy như trên rất nguy hiểm. Đành rằng tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất hay quan trọng nhất quyết định khả năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Nhưng, xin nhấn mạnh, khi mọi yếu tố khác được giả định là không thay đổi (ví dụ, cũng vẫn mẫu mã bao bì đó, vẫn giá thành tính bằng VND chừng đó, vẫn kênh phân phối đó v.v…), nếu tỷ giá VND tăng lên (VND bị phá giá) thì lập tức tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được cải thiện tương ứng. Tất nhiên, nếu có cải thiện được cả những yếu tố trên thì xuất khẩu càng có thêm điều kiện để bứt phá. Nói cách khác, một đồng bản tệ yếu là một dấu cộng thêm (tuy không phải là dấu cộng duy nhất) cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, những biện pháp mà trường phái không phá giá nêu ra bên trên để ổn định xuất khẩu không phải là miễn phí, không phải trả giá. Ví dụ như ký hợp đồng phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Việc này sẽ tốn phí bảo hiểm tỷ giá, mà nhiều khi phí này cực kỳ lớn, nhất là trong bối cảnh tỷ giá có khả năng biến động mạnh. Đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường mới, thường sẽ chịu rủi ro lớn hơn trong khi không hiệu quả bằng các thị trường hiện tại do, ví dụ, khối lượng xuất khẩu không lớn. Còn đa dạng đồng tiền thanh toán thì không hề dễ dàng khi mà kèm theo đó là phí tổn chuyển đổi đồng tiền, rủi ro thanh toán và tỷ giá chuyển đổi, và, đặc biệt, là khi hầu hết mọi đồng tiền có thể dùng thanh toán xuất khẩu đều giảm giá so với VND, gây hại cho xuất khẩu của Việt Nam (như đã nói ở trong các bài trước).

Về tác động của việc không phá giá VND lên nhập khẩu và sản xuất trong nước, như đã phân tích rõ trong các bài trước, VND lên giá làm cho hàng hóa sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, làm cho sản xuất trong nước bị thu hẹp do hàng nhập khẩu tràn vào. Như thế, không phá giá VND để tránh được nỗi lo sợ lạm phát gia tăng khi phá giá VND thì rốt cuộc sẽ phải đối mặt với nỗi sợ kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng. Bởi vậy, nhìn tổng thể, phá giá VND vẫn là điều nên làm.

Tuy nhiên, sẽ có người nói rằng những hậu quả lên xuất khẩu và nhập khẩu và sản xuất nội địa như nói ở trên chỉ có thể đúng ở góc độ lý thuyết, chứ thực tế có thể không đến nỗi tệ như vậy. Về luồng ý kiến này, xin được dùng luôn dẫn chứng khách quan lấy ra từ một bài báo trên tờ Financial Times số ra ngày 20/3 để minh hoạ cho thấy tại sao một đồng bản tệ lên giá lại là một điều có hại trên toàn cục đối với một nền kinh tế bất kể nào đó.

Bài báo có tiêu đề: “Current account deficit grows wider as dollar strengthens” (tạm dịch: Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng khi USD lên giá). Theo bài báo, USD mạnh lên đã làm thâm hụt tài khoản vãng lai (dùng để ghi nhận lưu chuyển đầu tư và xuất nhập khẩu) của Mỹ đã tăng 15% lên mức 113,5 tỷ USD trong quý 4/2014 so với quý 3, do xuất khẩu thu hẹp và lợi nhuận chuyển về từ các khoản đầu tư ở nước ngoài sụt giảm bởi USD lên giá so với hầu hết các đối tác thương mại chính của Mỹ.

Bài báo trích dẫn bình luận của một chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu tăng trưởng chậm lại sẽ trở thành một lực cản lớn cho tăng trưởng. Bài báo cũng cho biết Fed hôm thứ Tư vừa rồi đã cắt giảm dự báo tăng tưởng kinh tế của Mỹ một phần vì tác động bất lợi của USD. Thậm chí, theo bài báo, những nỗi lo liên quan đến việc lên giá của USD đã mang lại yếu tố chính trị nhiều hơn khi một số nghị sĩ đặt vấn đề liệu có phải các đối thủ thương mại của Mỹ ở châu Á và châu Âu đã cố tình phá giá bản tệ của họ để tạo lợi thế cạnh tranh.

Nhìn lại Việt Nam, tuy chưa có số liệu tăng trưởng GDP cho quý 1 năm nay, nhưng số liệu về nhập siêu tăng vọt trong 2 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về sự ổn định của tỷ giá VND. Nhập siêu tăng lên chắc chắn sẽ tác động ngược lại lên sự ổn định tỷ giá VND cũng như khả năng ổn định tỷ giá của NHNN, để rồi rốt cuộc phá giá VND là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, cũng phải lưu ý rằng cho dù tăng trưởng GDP của quý 1 năm nay khi được công bố trong thời gian tới có thể vẫn ở mức tăng trưởng khả quan (ví dụ, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong quý 1 năm 2014) thì cũng cần tránh ngụy biện rằng như vậy VND lên giá với các bản tệ khác chẳng gây thiệt hại gì cho tăng trưởng kinh tế. Bởi, như đã nói về xuất khẩu bên trên, khi mọi yếu tố khác không thay đổi thì VND yếu hơn có thể còn làm cho tăng trưởng GDP cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở mức đó. Và nếu xét trong thời kỳ dài hơn (các quý còn lại), nếu cứ tiếp tục nhập siêu như vậy thì hoặc tăng trưởng GDP phải sụt giảm, và/hoặc tỷ giá sẽ thoát khỏi vòng kiểm soát của NHNN.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở thời điểm này hay không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Xem thêm: Áp lực tỷ giá nhìn từ động thái của các nước

TS PHAN MINH NGỌC

CTV Minh Ngọc

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên