Vốn 500 triệu đến 1 tỷ đồng, đầu tư vào đâu?
Đối với nhiều người, lựa chọn bỏ tiền vào đâu không hề đơn giản khi bất động sản vẫn trầm lắng, chứng khoán đang điều chỉnh, vàng tăng giảm thất thường và lãi suất tiết kiệm hạ…
Các kênh đều gặp khó
Nhóm phân tích đầu tư tài chính (VFA Group) nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) dù có dấu hiệu tan băng nhưng vẫn khó khởi sắc trong năm nay. Điều này khiến các ngân hàng thương mại phải tiếp tục xử lý nợ xấu. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty BĐS là nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh trong quý 1 vừa qua. Do vậy, trong giai đoạn tới sẽ khó sử dụng hai động lực này để kích thích TTCK và thị trường trong quý 2, 3 sẽ giao dịch quanh mức 550 điểm.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường BĐS nhưng sức mạnh thị trường đang thuộc về người mua. Thực tế, dù giá nhiều BĐS đã giảm 20 - 50% trong năm 2013 nhưng một số phân khúc giá vẫn quá cao so với khả năng chi trả của người dân; cộng với kinh tế chưa thực sự hồi phục và tâm lý tiết kiệm hơn của người dân nên chưa thể tạo ra dòng cầu lớn trên thị trường này.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Mở TP.HCM, phân tích thêm: “Giá vàng thế giới đang tăng giảm theo những bất ổn chính trị liên quan đến Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao nên cũng khá rủi ro cho người nắm giữ tài sản này, dù là để bảo toàn vốn”.
Vốn 1 tỉ đồng, đầu tư vào đâu ?
Trả lời câu hỏi: “Nếu có số vốn từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng thì nên đầu tư vào đâu?”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng các nhà đầu tư chấp nhận một phần rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận khá thì nên theo dõi TTCK đang suy giảm và quan sát khi ổn định để mua vào. Nên chọn 1 hoặc 2 cổ phiếu (CP) của các công ty thỏa mãn những tiêu chí như có lãi trong 3 năm liên tiếp; mỗi năm chia cổ tức bằng tiền mặt với mức từ 7% trở lên; lợi nhuận quý 1/2014 bằng hoặc tốt hơn cùng kỳ năm trước; giá CP ở thời điểm mua vào không tăng quá 15% so với giá đầu năm 2014. “Nếu chọn được CP thỏa mãn những tiêu chí trên thì có thể đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 10% trở lên vào cuối năm, cao gấp đôi so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng”, ông Hiển nhận định.
Riêng với những nhà đầu tư thích an toàn về đồng vốn và chấp nhận thời gian đầu tư dài hơn, có thể mua một căn hộ giá từ 1 - 1,4 tỉ đồng, trong đó có thể vay được tối đa là 50% trị giá nhà (lãi vay tối đa không quá 11%/năm). Nên chọn căn hộ có vị trí thích hợp, tiện ích, quản lý tốt và có thể cho thuê với lợi suất tối thiểu 4% trở lên trên vốn đầu tư (chẳng hạn giá mua 1 tỉ đồng, cho thuê được 4 triệu đồng/tháng, tương đương 4,8%/năm). “Với căn hộ đầu tư này tuy lợi suất có thể thấp hơn gửi tiết kiệm tiền VND khoảng 30%, nhưng lại cao hơn 400% lãi suất tiết kiệm USD, trong khi khả năng bảo toàn giá trị tương đương kênh gửi ngoại tệ”, chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích.
Còn theo TS Nguyễn Văn Thuận, trong khi các kênh đầu tư đều gặp khó thì xét trên tổng thể trong năm 2014 TTCK vẫn là kênh có khả năng sinh lời cao nhất nếu chọn đúng thời điểm mua vào những CP có khả năng chia cổ tức cao. Vì vậy, nếu là người có kiến thức về chứng khoán thì nên dành tỷ lệ cao hơn số vốn đang có để đầu tư vào TTCK, nhưng phải cân nhắc kỹ về thời điểm mua vào, lựa chọn CP nào và mức giá nào phù hợp. Ngoài ra, kênh gửi tiết kiệm với lãi suất 7 - 8%/năm cho kỳ hạn dài vẫn là sự chọn lựa khá tốt cho nhiều người, nhất là khi muốn bảo toàn vốn là chính.
Theo Thảo Vy