MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ngoại chờ vào ngân hàng nội

25-06-2014 - 16:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Đón cơ hội

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Cơ hội để các quỹ xem xét bỏ vốn nhiều hơn ngày càng rõ nét khi Chính phủ đang xem xét cụ thể từng trường hợp tái cơ cấu TCTD để cho phép mua đứt 100% vốn một ngân hàng. Trong đó, khả năng GPBank sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore) để tiến hành tái cơ cấu gần như được giới đầu tư khẳng định. 

Năm ngoái, lãnh đạo NHNN đã tuyên bố quá trình tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu nhất đã hoàn thành và tiếp tục quá trình tái cơ cấu cả những ngân hàng nhỏ. Hiện nay, NHNN khuyến khích những ngân hàng yếu sáp nhập thành một ngân hàng quy mô lớn hơn trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Theo ông Lam, với số vốn của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chỉ tương đương ở mức 25 triệu USD và công ty này chỉ sử dụng trái phiếu trong hầu hết các thương vụ, nên con số giá trị nợ mua từ các TCTD hiện còn khiêm tốn. Dự kiến, số nợ mua trong năm ngoái của công ty này vào khoảng 1,7 tỷ USD sẽ được VAMC xử lý các khoản nợ đã mua trong năm 2014.

 Nhưng để có thể đẩy tiến độ xử lý nợ xấu được nhanh hơn, ông Lam cho rằng, vai trò của nguồn vốn nước ngoài tham gia mua bán nợ là rất quan trọng. Theo đó có thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng nên cần thiết thúc đẩy thành lập một cơ chế để các tổ chức nước ngoài có thể mua nợ xấu.

Trong khi đó, ông David C. Kadarauch Giám đốc Trung tâm phân tích CTCK ACBS cho rằng, lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về nợ xấu và tái cơ cấu những khoản nợ này. Thế nhưng, nhìn chung nợ xấu của Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực ở thời kỳ khủng hoảng năm 1997. 

Vì thế, ông David C. Kadarauch đánh giá, có thể trước mắt các ngân hàng đang gặp khó khăn, song tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới còn nhiều cơ hội tốt. Do đó, đây là thời điểm tốt để NĐT nước ngoài có thể xem xét để rót tiền vào cổ phiếu của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều cần thiết trước hết Chính phủ Việt Nam nên xem xét nới thêm “room” cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực này để hấp dẫn trong thu hút nguồn vốn ngoại vào ngân hàng.

Thực tế, thời gian qua, các TCTD đang ra sức cải tổ thực hiện đề án tái cơ cấu, chỉnh trang lại năng lực tài chính, quản trị, nhân lực... Đến thời điểm này, thanh khoản của toàn hệ thống đã được cải thiện tốt và NHNN đang từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu để làm lành mạnh hệ thống. Theo một chuyên gia tài chính – chứng khoán, dự kiến khoảng một hai năm tới, khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ hồi phục. Vì thế, thời điểm này được NĐT nước ngoài xem là cơ hội tìm đối tác để tham gia chi phối ngân hàng nội.

Kỳ vọng tăng trưởng

Đại diện văn phòng Việt Nam của StandardChartered Bank cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của ngành Ngân hàng ở các thị trường mới nổi như Việt Nam còn rất lớn. Tốc độ tăng trưởng gấp hai hoặc 2,5 lần so với tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Standard Chartered Bank, sự tăng trưởng trong ngành tài chính – ngân hàng không đi theo đường thẳng mà tùy thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới.

Thực tế thời gian qua cũng chứng minh điều này, kinh tế khó khăn và tốc độ tăng trưởng của ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây chững lại. Nhưng tính bình quân 10 năm tới thì tốc độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ ở mức khoảng 15% so với hiện nay. Trong đó, phải kể đến là nhu cầu về dịch vụ tài chính – ngân hàng bán lẻ được các tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá sẽ ngày càng gia tăng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ông David C. Kadarauch cho rằng, nhu cầu về các sản phẩm tài chính bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia tăng theo thời gian. Vì thế, chiến lược bán lẻ sẽ tiếp tục là mục tiêu được các ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý là với mảng thẻ, nhất là thẻ tín dụng. Đây cũng sẽ là sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng nội về dịch vụ bán lẻ.

Giám đốc phụ trách khối ngân hàng bán lẻ ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Sanjoy Sen thừa nhận, đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam nhu cầu về sản phẩm dịch vụ, tài chính gia tăng rất mạnh. Ngân hàng này đặt mục tiêu rất lớn về phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Bởi đây là những thị trường trẻ, đang tăng trưởng, đồng thời nhu cầu khách hàng cá nhân cũng luôn biến đổi khi thu nhập của người dân ngày càng cải thiện hơn trước.

Cơ hội tăng trưởng đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam được các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao và xem đây là cơ hội để rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của VinaCapital, rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng phải có tầm nhìn dài hạn. Mong muốn kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sớm tăng trở lại hiện thời là chưa thể. Nguyên do trong giai đoạn hiện nay các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và khi sức mua của nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn thì ngành Ngân hàng chưa hết khó khăn.

“Hiện có nhiều NĐT nước ngoài xem Việt Nam là các khoản đầu tư dài hạn. Mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, chứng khoán đang ở mức cao”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital nhận định. Theo ông Andy Ho, triển vọng về việc nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài và định giá chứng khoán Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều được NĐT nước ngoài quan tâm là khả năng mở room lên 60% (từ mức 49% hiện tại) đối với DN nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng vẫn là “lực hút” rất hấp dẫn.


>>> Gọi vốn ngoại: Nhà đầu tư hào hứng, chuyên gia lo bong bóng

Theo Vũ Hoàng

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên