Vốn rẻ nhưng vẫn khó vay, nhiều người tìm “cửa khác”
Câu chuyện vay vốn để sản xuất, kinh doanh là mối lo thường trực của không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất hay mỗi cá nhân khi có ý định đầu tư. Tưởng chừng ngân hàng sẽ là điểm đến đầu tiên khi cần vay tiền, thế nhưng ở nhiều nơi hiện nay, người ta tìm đến các nguồn khác để vay vốn hơn là các nhà băng.
- 18-09-2015Vì sao lãi suất tín dụng ưu đãi chưa giảm?
- 11-09-2015Tín dụng nông thôn vì sao khó tiếp cận?
Câu chuyện thứ nhất
Công ty TNHH Một thành viên S chuyên về tư vấn, thiết kế xây dựng thuộc một tổng công ty lớn đã rơi vào tình trạng khó khăn về chi trả lương cho cán bộ nhân viên từ hơn 3 năm nay. Hiện tại đã là tháng 9 của năm 2015 nhưng công ty mới thanh toán lương được đến tháng 5.
Giám đốc công ty này cho biết, không phải vì công ty không làm ăn được mà vì thường bị đối tác nợ, chậm thanh toán, hoặc thanh toán chuyển về tài khoản công ty mẹ và chuyện để rút tiền về là rất khó khăn, mất thời gian. Chính vì thế công ty không có cách nào khác đành phải trả lương chậm cho cán bộ.
Tuy nhiên, tình trạng chậm lương này đã được khắc phục đáng kể so với cách đây 1 -2 năm, khi công ty phải nợ lương người lao động có thời điểm lên tới 6 tháng.
Tham khảo cách làm của nhiều công ty bạn, ban giám đốc đã quyết định huy động vốn từ ngay cán bộ nhân viên của mình. Cụ thể, công ty đã thông báo với người lao động về việc cho công ty vay vốn với lãi suất cao hơn 2-3% so với mức lãi suất ở ngân hàng tùy thuộc vào khoản tiền cho vay, thời gian vay tối thiểu là 6 tháng. Thay vì sổ tiết kiệm như ngân hàng phát hành, công ty sẽ có giấy cam kết khi nhận tiền.
Vì hầu hết người lao động đều gắn bó với công ty đã lâu, nên việc huy động vốn này cũng được cán bộ nhân viên hưởng ứng. Dù không được nhiều nhưng công ty đã giải quyết được tình trạng chậm lương từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Câu chuyện thứ hai
Một công ty xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh có trụ sở tại Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng khó khăn vốn thường xuyên. Anh Nguyễn Văn Thưởng, giám đốc công ty này cho biết, nguồn vốn của công ty chủ yếu vay ngân hàng và vốn tự có của các cổ đông đóng góp. Tuy nhiên, công ty vẫn tìm đến nguồn vốn vay ngoài mỗi khi hàng nhập về nhiều hoặc tồn kho chưa kịp xuất đi.
“Khi cần vốn khoảng vài trăm triệu đến dưới 2 tỷ đồng, chúng tôi thường huy động từ người thân hoặc bạn bè thân thiết, lãi suất khoảng 1,5 (tức 15%/năm-PV). Nếu vốn cần quá nhiều để trả tiền hàng thì chúng tôi phải tìm đến các doanh nghiệp trong ngành để vay nóng nhau, thường lãi suất khoảng 2 phẩy (20%/năm)”, anh Thưởng chia sẻ.
Câu chuyện thứ ba
Gia đình anh Vương Văn Minh ở H. Quốc Oai, Hà Nội mở xưởng chế biến gỗ. Xưởng sản xuất có khoảng gần chục công nhân làm việc tất cả các ngày trong tuần. Việc trả lương cho công nhân không gặp khó khăn như ở công ty S. nói trên, vì có người lĩnh tiền công theo tuần, nhưng có người lại gửi chủ xưởng 3 tháng - 5 tháng mới lấy một lần cho có “món”. Tuy nhiên công ty lại gặp khó khăn về đầu tư máy móc và nguồn tiền mỗi khi nhập hàng (gỗ nguyên liệu).
Anh Minh cho biết, không chỉ ở xưởng của anh mà cả các xưởng khác trong vùng, các chủ xưởng thường đi “vay nóng” ở những gia đình có nguồn tiền dư giả. Lãi suất cho các khoản vay này thường rất cao, mà nói như cách của anh Minh là hiện rơi vào khoảng 2 “chấm” (tức 20%/năm).
“Lãi suất tính ra rất cao, thậm chí khi cần gấp với số tiền lớn người vay còn đòi 2,5 hoặc 3 chấm. Thế nhưng nhiều người vẫn vay vì hầu hết chỉ vay từ 7 cho đến 10 ngày, có tiền hàng thanh toán là mang đến trả chủ ngay, nên tiền lãi tính ra cũng không quá nhiều, thủ tục lại nhanh gọn”, anh Minh cho biết.
Đề cập đến chuyện vay như vậy lấy gì thế chấp, vị chủ xưởng chế biến gỗ nói rằng, toàn bộ máy móc của xưởng ngầm định là thế chấp cho người ta, thế nên việc thế chấp chỉ cần nói 1 lần, các lần sau vay tiền không phải trình bày lại, chỉ cần hỏi tiền là có người đáp ứng ngay và ở vùng quê chỉ vay nội bộ trong làng, xã, mỗi lần vay vài chục triệu đồng nên cũng chưa xảy ra tình trạng nào “bùng” nợ hay xô xát giữa người cho vay và người vay.
Vì sao không tìm đến ngân hàng?
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất cho vay hiện nay phổ biến từ 9 – 11%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 1 năm) khoảng 8 – 9%/năm. Mức lãi suất này đã về khá thấp, ngang mặt bằng của thị trường gần chục năm về trước.
Bên cạnh giá vốn rẻ, nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi. Tưởng chừng như vậy sẽ không còn khó khăn cho các doanh nghiệp và người cần vốn tìm đến ngân hàng, tuy nhiên thực tế lại không dễ dàng như vậy.
Ba câu chuyện chúng tôi kể trên là tình trạng không khó bắt gặp hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp cho hay, việc vay vốn ngân hàng thường rất nhiều thủ tục, chưa kể còn phải có tài sản để thế chấp, thời gian giải ngân cũng không như mong đợi. Trong khi đó, chịu lãi suất cao hơn một chút từ bên ngoài, họ có thể giải quyết nguồn tiền một cách dễ dàng hơn.
“Với công ty chúng tôi, việc vay vốn ngân hàng không khó vì chưa có nợ xấu lại có tài sản tốt và uy tín, nhưng chờ làm thủ tục và giải ngân nhiều khi mất cả tháng trời, trong khi cơ hội kinh doanh chỉ đến trong tích tắc và cần giải quyết nhanh gọn trong 1-2 tuần, và nguồn tiền vay khẩn cấp từ người thân, doanh nghiệp bạn là lựa chọn số 1 cho các trường hợp cấp bách”, anh Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ.
Không may mắn như công ty của anh Thưởng, tại công ty chuyên về thiết kế, tư vấn mà chúng tôi kể ở câu chuyện thứ nhất, theo vị giám đốc công ty, hầu hết tài sản đã thế chấp ở ngân hàng và vì thế việc vay thêm gần như là không thể.
Còn ở câu chuyện thứ ba, nguồn tiền vay thường không lớn, và việc tiếp cận với ngân hàng cũng là chuyện còn khá lạ lẫm với nhiều hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, vì thế nguồn tiền vay nóng lãi suất cao vẫn được họ ưu tiên lựa chọn.
Nhìn nhận về thực trạng nhiều doanh nghiệp vẫn còn tìm đến nguồn vốn ngoài ngân hàng hiện nay, TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên đến từ phía ngân hàng.
TS. Tín phân tích, hiện nay chỉ có một số ngân hàng là được nới room tín dụng, cho nên hầu hết các nhà băng đều hết sức thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng. Bên cạnh đó, thông tư 09 của NHNN vừa có hiệu lực thi hành,quá trình phân loại nợ xấu và dự phòng rất khắt khe, nên các ngân hàng không dễ dàng giải ngân.
Thêm vào đó, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra quyết liệt, xuất hiện một số ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng, ngay cả ngân hàng lớn như DongABank còn rơi vào tình trạng kiểm soát đặt biệt nên nhiều ngân hàng còn lại cũng hoạt động cẩn trọng hơn, dẫn đến quá trình cấp tín dụng chặt chẽ hơn.
Nguyên nhân thứ hai đến từ phía chính các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không có hồ sơ sổ sách tài chính đầy đủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó của ngân hàng. Có nhiều doanh nghiệp có hồ sơ nhưng nhiều khi phương án của họ đưa ra một đằng, triển khai lại một nẻo, dẫn đến mất lòng tin của ngân hàng. Trong khi đó, vay bên ngoài lúc nào điều kiện cũng dễ dàng hơn và lãi suất có thể thỏa thuận được.
Trả lời câu hỏi có nên để tình trạng này tiếp diễn hay không, TS Tín cho rằng không nên, nhưng để chấm dứt được trong một sớm một chiều là điều không thể. Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho biết thêm, NHNN cũng biết được thực trạng này từ lâu nhưng một mình họ không thể giải quyết được dứt điểm ngay tức khắc. Vấn đề ở đây là gánh nặng về chức năng trung gian tài chính đang đè lên vai của cả hệ thống và các cơ quan chức năng.