Vòng xoáy nợ xấu, trích lập và tăng tín dụng
Hiện nay nhiều NHTM đã công bố báo cáo tài chính quý III, nhiều con số cho thấy hệ thống NHTM đang gặp rất nhiều khó khăn về tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và khó đạt được mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Bức tranh xám
Theo báo cáo tài chính các NHTM, mặc dù đã đi qua 3 quý, song tín dụng của các NHTM vẫn tăng trưởng khá chậm, thậm chí một số tăng trưởng âm. Hiện mới có vài NH đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng như SHB trên 15%, Sacombank hơn 13%, BIDV 9,8%...
Các NHTM khác vẫn còn cách mục tiêu 12% khá xa. Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Sài Gòn, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank ước đạt 3,4% vào cuối tháng 9. DongABank cũng gặp khó khăn khi đến cuối tháng 9 tín dụng chỉ tăng trưởng 1,2% với dư nợ cho vay 51.277 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có rất nhiều NH tăng trưởng tín dụng âm. Trong báo cáo tài chính 9 tháng, OceanBank tăng trưởng tín dụng âm 5,2%, với dư nợ cho vay ở mức 27.948 tỷ đồng. Navibank tăng trưởng tín dụng âm 8,95% và huy động cũng âm 21,4%. Tính đến ngày 30-9, cho vay khách hàng tại Saigonbank giảm 1,4% so với đầu năm.
Bên cạnh tăng trưởng tín dụng thấp, chất lượng nợ của các NHTM cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện PGBank đang có nợ xấu cao nhất hệ thống với tỷ lệ 9,5% trên tổng dư nợ. Sau khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), nợ xấu của SHB đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, chiếm 7,75% trên tổng dư nợ.
Đến cuối quý III, SHB đã thu hồi được 2.300 tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.900 tỷ đồng. Navibank có tỷ lệ nợ xấu chiếm 8,7% tổng dư nợ, tăng hơn 3% so với đầu năm. Nợ xấu của BIDV dù giảm từ 2,78% vào cuối quý II xuống còn 2,5% trong cuối quý III, nhưng tính theo giá trị tuyệt đối vẫn hơn 8.750 tỷ đồng, trong đó hơn 2.600 tỷ đồng là nợ nhóm 5.
Kienlongbank có tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2,73%, nhưng chất lượng nợ cũng ở mức báo động khi nợ có khả năng mất vốn tăng 40% lên 191 tỷ đồng. VPBank có nợ xấu ở mức 2,27%, giảm nhẹ so với mức 2,72% cuối năm 2012, nhưng nợ có khả năng mất vốn đến 226 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, các chỉ tiêu của NH này đều tăng mạnh nhưng do phải trích lập dự phòng 212,6 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 184 tỷ đồng, giảm 8,8%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank đang ở mức 3,72%, nhưng vẫn chưa công bố kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC.
Với SouthernBank, tín dụng 9 tháng tăng trưởng âm nhưng nợ xấu lại tăng từ mức 1.317 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng, ở mức 999 tỷ đồng.
Thời điểm đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của DongABank chiếm 3,95% với gần 2.000 tỷ đồng, nhưng nhờ triển khai các biện pháp xử lý mạnh đã kéo nợ xấu giảm xuống còn 1.503 tỷ đồng, chiếm 2,93% trên tổng dư nợ. Song trong quý III, DongABank đã tăng hơn 70% lượng trích dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 30,8% xuống còn 184 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế 9 tháng giảm 51% xuống còn 511 tỷ đồng.
Khó đạt lợi nhuận
Mức tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập dự phòng cao và nợ xấu đang là mối lo thường trực của các NHTM. Dự kiến năm nay các NHTM khó lòng đạt được lợi nhuận như mục tiêu đề ra. Xác định được khó khăn này, các NHTM sẽ đặt trọng tâm xử lý nợ xấu và giữ vững chuẩn tín dụng để tránh nguy cơ làm tăng thêm nợ xấu, không bất chấp để chạy theo lợi nhuận.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB, NH đã tiến hành bán nợ cho VAMC và đang rà soát nợ để tiếp tục bán những khoản nợ khác. SCB đề ra mục tiêu xử lý rốt ráo để kéo nợ xấu xuống 3% vào cuối năm nay. “Về kết quả kinh doanh, đại hội đồng cổ đông của SCB đã thống nhất năm 2013 và cả năm 2014 lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu. Trong giai đoạn này chúng tôi tập trung trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu” - ông Văn cho biết.
Lãnh đạo một số NHTM cũng chia sẻ từ nay đến cuối năm nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận còn nặng nề, nhưng tăng trưởng nhanh đạt lợi nhuận đề ra còn tùy “sức khỏe” doanh nghiệp. Dù muốn cứu doanh nghiệp, bơm vốn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, nhưng NHTM lại lo nếu bơm vốn doanh nghiệp lại “chết” luôn, trách nhiệm người cho vay rất nặng nề.
Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Thường trực Maritime Bank, cho biết đối với những khách hàng đang gặp khó khăn, NH rất thận trọng khi xét cho vay nhằm tránh làm gánh nặng nợ xấu của chính mình trầm trọng thêm. Trái lại, những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, kế hoạch kinh doanh khả thi đều tiếp cận nguồn vốn khá dễ dàng.
Hiện nay, các NHTM đều đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, so với thời điểm này các năm trước, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay không cao nên cho vay cũng gặp khó. Muốn tháo gỡ nút thắt để dòng vốn lưu thông, gỡ khó cho doanh nghiệp lẫn NHTM, cần thiết phải có những chính sách có hệ thống, đặc biệt là chính sách tiền tệ.
Theo Yên Lam