Vụ Huyền Như: ACB, Navibank cố tình làm trái luật?
Theo Viện Kiểm sát, hai đơn vị này đã làm trái luật: "Vì lợi nhuận cục bộ mà các ngân hàng này đã vi phạm pháp luật dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền".
11h30: Phiên tòa tạm nghỉ.
11h20: Luật sư của Công ty Hưng Yên đồng tình với quan điểm đối đáp của VKS.
Ông luật sư cho biết, những luận cứ bảo vệ Công ty Hưng Yên đã làm thành văn bản gửi HĐXX. Trong quá trính nghiên cứu hồ sơ và phiên tòa phúc thẩm vẫn quyết định giữ nguyên quan điểm.
11h10: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc đồng tình với quan điểm với phần đối đáp của VKS, đồng thời đưa ra quan điểm phản bác lại phần bào chữa của các luật sư Vietinbank.
Theo luật sư của Công ty An Lộc, tài khoản của công ty này là hợp pháp. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét vấn đề này được luật sư của Vietinbank đưa ra tại phần đối đáp.
Với quan điểm cho rằng, giao dịch giữa Huyền Như và Công ty An Lộc là “giao dịch ngầm”, luật sự cho rằng không có cơ sở.
11h05: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Giã Thị Mai Hiên cho rằng, việc VKS đồng tình với quan điểm hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến bà Giã Thị Mai Hiên sẽ được sự đồng thuận hơn.
10h55:Luật sư Đặng Ngọc Châu – bảo vệ quyền lợi của Công ty Toàn Cầu nêu quan điểm đối đáp với phần bào chữa của các luật sư Vietinbank.
Theo ông Châu, một số quan điểm của luật sư Vietinbank là mang tính suy đoán, một chiều như: Việc giao dịch giữa Huyền Như và Công Ty Toàn Cầu ở ngoài quán cà phê, Công ty Toàn Cầu nhận tiền ngoài hợp đồng 5 tỷ đồng, Công ty Toàn Cầu chỉ giao dịch với Huyền Như…
Ông Châu kết thúc phần đối đáp của mình với việc đồng tình với quan điểm của VKS nêu ra tại phiên tòa cấp phúc thẩm.
10h40:Sau phần đối đáp của VKS, luật sư Nguyễn Minh Tâm – bảo vệ quyền lợi cho Công ty SBBS đưa ra quan điểm đối đáp với phần bào chữa của luật sư Vietinbank.
Bài đối dài gần 8 trang A4 của ông Tâm nêu đại ý SBBS thừa nhận bị Huyền Như lừa trong vụ 14 hợp đồng đầu tư vốn. Tuy nhiên ông Tâm cho rằng, Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lấy tiền trong tài khoản của SBBS.
10h15:Về quan điểm của luật sư ACB, Navibank, VKS đồng tình việc cấp sơ thẩm có thiếu sót nhưng thiếu sót này không quan trọng và không thay đổi bản chất vụ việc.
Về quan điểm của luật sự hai ngân hàng ACB và Navibank, nêu việc việc gửi tiền của họ không khác 5 công ty được VKS đồng thuận quan điểm, công tố viên cho rằng: Hai trường hợp này là khác nhau về bản chất gửi tiền
“Giống như hành vi của thành niên và vị thành niên. Hành vi ở đây là biết luật mà vẫn cố tình phạm luật”, VKS nói.
Theo VKS, hai đơn vị này đã làm trái luật. Tài khoản tiền gửi của nhân viên ACB và Navibank mở ra được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhân viên này mở tài khoản nhưng họ không có nhu cầu. Việc mở tài khoản là để ngân hàng ACB và Navibank chuyển tiền đến.
Hành vi sai phạm của ACB và Navibank diễn ra trong bối cảnh Nhà nước đang siết chặt để quan hệ tiền tệ lành mạnh. Vì lợi nhuận cục bộ mà các ngân hàng này đã vi phạm pháp luật dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Những vấn đề xác định hành vi chiếm đoạt của Huyền Như tại hai ngân hàng này đã thỏa mãn các yếu tố lừa đảo chiếm đoạt.
Trong mối quan hệ này, nhân viên ACB, Navbibank là người trực tiếp gửi tiền và đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Bản chất đây là tiền của ACB và Navibank.
VKS khẳng định không đồng tính với quan điểm của luật sư hai ngân hàng này.
10h10: Đối với các khoản tiền mà Công ty An Lộc, Hưng Yên, Phương Đông, mà các luật sư của Vietinbank nêu có liên quan đến hai ngân hàng Tienphongbank và Hàng Hải, VKS khẳng định, trong hồ sơ vụ án đã xác định rõ với lời khai của hai ngân hàng này cho rằng các đơn vị là độc lập, không liên quan. Đồng thời VKS xác định, các công ty này bị thiệt hại từ hành vi của Huyền Như gây ra.
Đối với thông tin về nguồn tiền của các công ty Hưng Yên, Phương Đông, An Lộc… là của hai ngân hàng này như quan điểm của luật sư nêu tại tòa phúc thẩm, VKS cho biết: “Cấp phúc thẩm không có quyền xem xét”.
Với quan điểm của các luật sư của 5 công ty, VKS nhấn mạnh lại thông tin rằng: “VKS chỉ đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo chứ không phải chấp thuận yêu cầu của các công ty buộc Vietinbank phải bồi thường cho họ như luật sư nêu ra”.
Về căn cứ đề nghị hủy một phần bản án, VKS cho biết, sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, vụ án có nhiều kháng cáo. Qua xem xét, VKS thấy rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ nên dựa vào điều 214 và 250 Bộ luật Tố tụng Hình sự để đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm.
10h5: Tiếp tục phần đối đáp, VKS nêu quan điểm, đối với lập luận của luật sư Vietinbank, việc Huyền Như chỉ chiếm đoạt tiền xuất phát từ sai phạm của các đơn vị gửi tiền về nguồn gốc tiền: “hàng triệu tài khoản của khách hàng không mất”. Theo quan điểm của VKS, đây là rủi ro của Vietinbank.
10h: Đối với quan điểm của luật sư của Huyền Như và luật sư bảo vệ quyền lợi của Vietinbank, theo VKS, do thống nhất về quan điểm bào chữa và đối lập với quan điểm của VKS nên sẽ có tranh luận chung và có ý kiến cụ thể.
Theo công tố viên, VKS đánh giá hành vi của Huyền Như xảy ra tại ngân hàng, trong khi đó luật sư lại đánh giá hành vi của bị cáo diễn biến ngoài ngân hàng.
VKS cho rằng, có sự khác biệt giữa hai quan điểm, hành vi của Huyền Như diễn ra trong ngân hàng như làm giả hồ sơ, chữ ký… là nguyên nhân dẫn đến mất tiền. Đây là biểu hiện của tội Tham ô tài sản.
Trong khi đó, theo luật sư, sai phạm của Huyền Như và các đơn vị gửi tiền là nguyên nhân mất tiền…. Hành vi gian dối trước là tiền đề cho hành vi sau. Theo đó, các luật sư đồng quan điểm tội của Huyền Như là chiếm đoạt tài sản.
“Đó chính là lý do chúng ta không gặp nhau”, VKS nói.
Trong đánh giá chứng cứ, VKS khẳng định rằng “không cắt khúc” mà đánh giá dựa trên hành vi cụ thể.
“Hành vi của bị cáo chiếm đoạt ở đâu thì xem xét ở đó. Hành vi tham ô cũng có hành vi gian dối nhưng không phải là đặc trưng”, VKS nói.
Đối đáp với quan điểm của luật sư, VKS nêu bản chất tín dụng của ngân hàng thương mại, bản chất pháp lý là gửi – giữ…. Theo đó, VKS cho rằng, ngân hàng phải có trách nhiệm trong hành vi Huyền Như chiếm đoạt tài sản.
9h10:Đối với kháng cáo của bà Giã Thị Mai Hiên và đề nghị hủy bản án sơ thẩm đối với trường hợp này để điều tra lại của luật sư, VKS cho rằng, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đủ chứng minh Huyền Như giả chữ ký của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng.
Quan điểm buộc tội của VKS không dựa mỗi vào lời khai của Như mà còn nhiều tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
VKS khẳng định, dòng tiền của bà Hiên không chuyển vào ngân hàng mà chuyển vào Công ty Hoàng Khải của Huyền Như… VKS khẳng định có căn cứ giữ nguyên quan điểm.
9h05:Đối với kháng cáo kêu oan của Vũ Nguyễn Xuân Tiên, dựa vào tài liệu điều tra, quá trình xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội đối với bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên.
Đối với các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, VKS đề nghị HĐXX xem xét dựa vào nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt.
8h40:Đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương, theo quan điểm của VKS, hành vi của bị cáo đã rõ, hành vi của bị cáo mang tính vụ lợi cá nhân. Bị cáo đã làm trái công vụ, làm trái quy chế của công ty.
Về số tiền thu lợi bất chính 72 tỷ đồng của bị cáo, theo VKS đủ cơ sở khẳng định số tiền này Phạm Anh Tuấn nhận từ việc dùng tiền công ty để ký hợp đồng với Huyền Như. Tình tiết giảm nhẹ hình phạt của bị cáo không có gì mới.
8h30: Đối với các bị cáo bị quy kết tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS khẳng định, Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi, chính việc làm sai quy trình của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng của bà Nguyệt và bà Năm.
Với hai bị cáo này, VKS giữ nguyên quan điểm.
Đối với bị cáo Lương Thị Việt Yên, VKS cho biết không nhận được những hồ sơ liên quan đến nhân thân của bị cáo. VKS đề nghị HĐXX xem xét căn cứ về nhân thân để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
8h25: Liên quan các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng.
Đối với Võ Anh Tuấn, VKS cho rằng, có đủ cơ sở khẳng định Võ Anh Tuấn đồng phạm chiếm đoạt tài sản tại các công ty: Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát và tại Công ty Thái Bình Dương. Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm kết luận với Võ Anh Tuấn.
Đối với bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, luật sư đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. VKS cho rằng bị cáo không có tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cũng xin trừ khoản tiền mà Như còn chưa trả. VKS cho rằng, không có cơ sở chấp nhận đề nghị này.
Đối với bị cáo Nguyễn Thiên Lý đề nghị xem xét lại số tiền thu lợi bất chính, VKS cho rằng, cần làm rõ thêm số tiền thu lợi bất chính của bị cáo. Nếu số tiền thu lợi lớn hơn 414 tỷ đồng như quy kết tại phiên tòa sơ thẩm thì tiếp tục xem xét để sung công quỹ nhà nước. Còn nếu ít hơn số tiền 414 tỷ đồng thì phải xem xét để bảo đảm quyền lợi cho bị cáo.
8h20: Mở đầu phần đối đáp, VKS phát biểu về những quan điểm bào chữa của các luật sư có quan điểm trái chiều.
Theo VKS, việc tranh tụng và ý kiến của luật sư và VKS là nhằm tìm ra bản chất thật của vụ án. VKS khẳng định không chụp mũ, phiến diện khi đưa ra quan điểm.
Mỗi bên tranh tụng có quyền đưa ra quan điểm tranh tụng, quyết định cuối cùng của HĐXX. Đồng thời VKS đề nghị luật sư nghe chính xác để tranh méo mó thông tin, tránh gây hiểu lầm đối với công luận.
8h15: Phiên tòa bắt đầu làm việc, chủ tọa Quảng Đức Tuyên đề nghị VKS đưa ra quan điểm đối đáp.
Sáng 29/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm.
Sau phần bào chữa của các luật sư tham gia tranh tụng tại tòa, sáng nay, VKS thực hiện quyền công tố sẽ đối đáp, bảo vệ quan điểm của cơ quan công tố đối với các kháng cáo tạiphiên tòa phúc thẩm.
Theo Nhóm PV