MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vừa đá bóng, vừa thổi còi", giám đốc ngân hàng gây thất thoát hơn 14 tỷ đồng

04-01-2014 - 20:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Bốn cán bộ ngân hàng Vietinbank, trong đó có nguyên Giám đốc chi nhánh Nguyễn Quang Lâm, đã bị khởi tố.

Sau một thời gian điều tra, ngày 3/1, vụ án vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và sử dụng trái phép tài sản xảy ra tại Ngân hàng Công thương Nam Việt Trì (nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương) đã đi vào giai đoạn kết thúc. Bốn cán bộ ngân hàng, trong đó có nguyên Giám đốc Nguyễn Quang Lâm, đã bị khởi tố về tội danh trên.

Công ty cổ phần Thế Mạnh do 5 cổ đông sáng lập với vốn điều lệ hơn 10 tỷ đồng, người đại diện hợp pháp của công ty là Nguyễn Ngọc Mạnh (cháu của Nguyễn Quang Lâm); Kế toán trưởng là bà Ngô Thị Thanh Bình, người giữ 23,8% vốn cổ đông, đồng thời cũng là vợ của Nguyễn Quang Lâm. Với những lợi thế trên, từ khi thành lập, Công ty cổ phần Thế Mạnh (gọi tắt là Công ty Thế Mạnh) đã có quan hệ tín dụng vay vốn tại nơi Lâm làm Giám đốc. Trên danh nghĩa, Mạnh là đại diện theo pháp luật của công ty nhưng một số hoạt động kinh doanh của Công ty Thế Mạnh còn do Lâm điều hành.

Tính đến ngày 2/1/2008, Công ty Thế Mạnh còn dư nợ gốc tại Ngân hàng Công thương Nam Việt Trì hơn 14 tỷ đồng, trong khi chỉ có 10 tài sản thế chấp với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng, chỉ để đảm bảo cho khoản vay hơn 4 tỷ đồng. Phần dư nợ còn thiếu, không có tài sản thế chấp là hơn 9 tỷ đồng. Khi đối chiếu với các quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam, Công ty Thế Mạnh không đủ điều kiện để được vay vốn, không có tài sản đảm bảo tại ngân hàng. Theo quy định tại Điều 11, Quyết định 072/QĐ- HĐQT-NHCT35 thì không được cho vay, không có bảo đảm đối với khách hàng có một trong những đối tượng quy định tại khoản 2, điều 11, sở hữu trên 10% vốn điều lệ của khách hàng. Đối chiếu theo quy định này thì bà Ngô Thanh Bình thuộc đối tượng không được cho vay không có bảo đảm.

Thế nhưng, ngày 2/1/2008, Công ty Thế Mạnh vẫn gửi hồ sơ đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2008 là 30 tỷ đồng, tại Phòng giao dịch Thọ Sơn, Lâm đã chỉ đạo Bùi Thị Lê, Trưởng phòng giao dịch; Hồ Thị Tuyết Nhu, Tổ trưởng Tổ tín dụng chỉ đạo Trần Đức Chính, cán bộ tín dụng lập tờ trình đề nghị cấp giới hạn tín dụng cho Công ty Thế Mạnh. Trên cơ sở đó, cùng ngày, Lâm đã ký duyệt cấp giới hạn tín dụng cho Công ty Thế Mạnh là 30 tỷ đồng. Lẽ ra, khi phát hiện sai phạm, các cán bộ ngân hàng phải có kiến nghị đến cấp cao hơn nhưng họ vẫn bỏ qua các quy định cho vay của Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Sau đó, Mạnh lập hồ sơ xin vay vốn ngắn hạn gửi Phòng giao dịch Thọ Sơn. Thực hiện sự chỉ đạo của Lâm, Lê yêu cầu Nhu và Chính lập tờ trình đề nghị cho khách hàng vay vốn ngắn hạn, phương thức hạn mức 15 tỷ đồng để chuyển Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp thẩm định theo quy định. Bà Dương Thị Kim Khánh, Phó phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp, xác định, Công ty Thế Mạnh không đủ điều kiện vay vốn nên đã báo cáo giám đốc xin ý kiến. Với vị trí là Giám đốc Công ty, Lâm đã chỉ đạo bà Khánh làm thủ tục cho vay tiền theo đề nghị, trái với quy định.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng hạn mức 15 tỷ đồng nêu trên, Phòng giao dịch Thọ Sơn đã thực hiện 25 lần giải ngân tiền vay cho Công ty Thế Mạnh, với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Mặc dù Công ty Thế Mạnh không bổ sung thêm tài sản đảm bảo nhưng ngày 5/5/2008, Mạnh tiếp tục lập hồ sơ gửi đến Phòng giao dịch Thọ Sơn xin bổ sung hạn mức tín dụng thêm 10 tỷ đồng (tăng từ 15 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng). Như vậy là sau khi duyệt tờ trình cùng ngày 5/5/2008, Lâm ký phụ lục hợp đồng bổ sung hạn mức tín dụng cho Công ty Thế Mạnh từ 15 lên 25 tỷ đồng, trái với quy định của Ngân hàng. Quá trình đấu tranh, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC46), Công an tỉnh Phú Thọ xác định, số tiền bị thất thoát lên tới hơn 14 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Phòng PC46, Công an tỉnh Phú Thọ còn làm rõ hành vi sử dụng trái phép tài sản của Nguyễn Ngọc Mạnh. Do việc giải ngân và giám sát sử dụng vốn vay của Phòng giao dịch Thọ Sơn không đúng quy định nên Mạnh đã sử dụng tiền vay sai mục đích để đầu tư mua tài sản cố định với mục đích thu lời. Khi vụ việc bị phát hiện, Ngân hàng yêu cầu thu hồi số tiền trên thì Mạnh chẳng những không chấp hành, mà còn sử dụng số tiền sai mục đích, chi tiêu cá nhân, không hạch toán trên hệ thống sổ sách. Chính sai phạm này dẫn đến việc không có tiền trả nợ cho ngân hàng.

Theo Xuân Mai

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên