MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa "độc canh" tín dụng

15-07-2015 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Sự phát triển áp đảo của các định chế tài chính so với sự phát triển của sức sản xuất những năm gần đây đã làm cho thị trường luôn nằm trong tình trạng "thừa tiền, thừa hàng và thiếu vốn".

 

Năm 2014, tăng trưởng GDP nhích lên 5,8%, nhưng tính bền vững không cao, hầu hết "bệnh cũ” chưa giảm, thậm chí một số "nhóm bệnh" có nguy cơ tái phát.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay cả nước có 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu D/E gấp trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ số D/E trên 10 lần ().

Trong nền kinh tế có tới "ba nền kinh tế” vận hành theo cơ chế, chuẩn mực và điều kiện cạnh tranh khác nhau, chỉ số quay vòng vốn, tính bằng doanh thu trên vốn của khu vực FDI cao hơn các khu vực còn lại.

Chỉ số này năm 2013 là 0,9 lần, trong khi năm 2000 là 0,7 lần, khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước là 0,7 lần và thấp nhất là DN nhà nước, chỉ 0,5 lần.

Cả ba năm (2012 - 2014), tổng nợ xấu trong nền kinh tế lớn hơn tổng mức gia tăng GDP và tương đương mức tăng tín dụng.

Tốc độ tăng tín dụng thời gian này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động vốn và đặc biệt chênh lệch vào năm 2013.

Nền kinh tế từ ba năm qua đang có vấn đề "bí đầu ra" hơn là nhu cầu cho đầu vào của quá trình tái sản xuất.

Bên cạnh đó, mật độ các tổ chức tín dụng cùng các định chế tài chính phi ngân hàng (NH) dày đặc, hoạt động gần như giống nhau, sản phẩm giống nhau.

Điều đó có nghĩa, cơ chế hoạt động theo mô hình công ty tài chính, NH đầu tư, các định chế tài chính phi NH khác đang bị trộn lẫn với hoạt động ngân hàng thương mại và cùng hướng vào thị trường tín dụng để bán vốn, hơn là làm dịch vụ tư vấn sử dụng vốn, hoặc chạy tiếp sức trong việc cung cấp vốn cho DN.

Việc cạnh tranh không lành mạnh và sự chồng chéo về mô hình tổ chức trong cùng khu vực ngân hàng thương mại đã tạo ra rủi ro rất lớn cho thị trường tài chính.

Nợ xấu phần lớn tập trung ở khu vực cho vay tín chấp của nhà nước hoặc của chính các NH cho vay nhóm khách hàng "VIP".

Bên cạnh đó, có sự cấu kết giữa DN với NH thông qua quan hệ đồng sở hữu hoặc có sự cấu kết giữa NH với đại cổ đông có các công ty riêng, đã biến NH thành công cụ hút vốn của xã hội dồn vào những địa chỉ "VIP", nhất là các dự án bất động sản.

Các quan hệ này đã tạo ra nợ xấu khổng lồ khi dòng tiền vốn không chảy được như mong muốn, thậm chí trả nợ NH không được các khách hàng VIP coi là trách nhiệm cần ưu tiên nên nợ vẫn nợ, vay vẫn vay được.

Có quá nhiều định chế tài chính được sinh ra với mục đích sử dụng các nguồn vốn rẻ của Nhà nước hoặc có sự hỗ trợ của Nhà nước hoạt động song song với tín dụng theo cơ chế thị trường, để cung ứng tín dụng cho các khu vực như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo...

NH có cổ phần nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo, hợp tác với nhiều loại công ty tài chính hay các quỹ do các cơ quan nhà nước lập ra. Không ít vấn đề không bình thường đang diễn ra trong chính các định chế tài chính được ra đời theo cách này.

Chính vì vậy, ngành NH của Việt Nam đang bước sang một thời kỳ mới, với việc Chính phủ ưu tiên tái cơ cấu khối NH quốc doanh nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu và ổn định nền kinh tế.

Dẫn vốn tới nền kinh tế không nhất thiết chỉ bằng con đường "độc canh" tín dụng như hiện nay, mà cần nghiên cứu lại lý do dẫn tới khủng hoảng tài chính thế giới năm 1929 - 1933.

Sự mập mờ không minh bạch giữa các nghiệp vụ tài chính - NH trong các định chế tài chính buộc Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Glass-Steagall năm 1933, nhằm tách bạch NH đầu tư và các hoạt động tài chính phi NH ra khỏi ngân hàng thương mại.

Không thể cứ bị động "chữa cháy" mà đã đến lúc cần những giải pháp mang tính đổi mới ở tầm chiến lược và minh bạch hóa bằng pháp luật. Nếu thiếu khu vực NH lành mạnh, Việt Nam sẽ khó quay lại thời kỳ tăng trưởng GDP 7 - 8% đã từng có trước khủng hoảng.

 

 

TS.Nguyễn Đạt Lai

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên