Xử lý nợ xấu: Không chỉ trông chờ vào VAMC
Để VAMC bán được nợ thì quan trọng nhất là phải phát triển một thị trường mua bán nợ và tìm kiếm, thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này.
Xung quanh vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, ông Noritaka Akamatsu - Chuyên gia trưởng kinh tế tài chính Khu vục Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới có một số chia sẻ đáng chú ý.
Những năm trước đây, tín dụng tại Việt Nam tăng rất cao, tuy nhiên nhiều khoản vay đã không thu lại được, dẫn đến tình trạng nợ xấu cao như hiện nay. Điều này tạo ra nhiều áp lực cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Do đó, giờ là lúc cần tập trung giải quyết vấn đề này.
Giải quyết nợ xấu một mặt là trách nhiệm của các ngân hàng. Nhưng nếu để các ngân hàng tự mình giải quyết toàn bộ nợ xấu đang có thì họ sẽ phải tập trung rất nhiều nguồn lực vào đây và do đó sẽ không còn nguồn lực để cho vay mới nữa. Vì thế, việc thành lập một Công ty quản lý tài sản (AMC) sẽ giúp cho các ngân hàng vừa có thể triển khai được các hoạt động kinh doanh bình thường, vừa dần giải quyết được nợ xấu.
Vậy tái cấu trúc cần đạt được những mục tiêu chính gì?
Tất nhiên, vấn đề không chỉ là giải quyết nợ xấu mà cuối cùng cần đạt được 3 mục tiêu: Thứ nhất, đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng; Thứ hai, khôi phục và tăng cường sự hiệu quả của hoạt động dịch vụ ngân hàng; Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển tiếp cận đối với các dịch vụ tài chính. Trong khi mục tiêu thứ 3 có thể “tạm gác qua một bên” vì đây là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và phải tiến hành trong mọi thời điểm. Còn hiện nay, cần tập trung vào 2 mục tiêu ổn định và tăng cường hiệu quả.
Để đạt được sự ổn định thì một trong những bước cần thực hiện là giải quyết vấn đề nợ xấu. Một bước khác là Chính phủ cần đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Trong khi đó, vấn đề hiệu quả cũng cần đặt ra để làm sao đưa ra được các quy định, thông lệ tốt dựa trên thị trường cho các ngân hàng; khuyến khích, thúc đẩy được các ngân hàng trong việc cải thiện công tác quản trị rủi ro để tránh các sai lầm tương tự trong tương lai.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP về việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Theo ông, để VAMC phát huy hiệu quả cần quan tâm đến những vấn đề nào?
Tôi nghĩ chúng ta cần quan tâm đến giá của các khoản nợ xấu thời điểm khi thu hồi về VAMC. Nghị định 53 cho phép VAMC mua nợ theo giá trị sổ sách hoặc giá trị thị trường. Trên thế giới cũng đã có một số nước mua nợ theo giá sổ sách.
Mặc dù vậy với Việt Nam hiện nay - trong bối cảnh các ngân hàng đã một phần hoặc đa số thuộc sở hữu tư nhân - mà mua theo giá trị sổ sách thì sẽ khó làm hơn. Bởi còn phải tính tới việc sau khi mua về, VAMC phải bán lại và tất nhiên phải bán theo giá thị trường mà như thế có thể đối mặt với thua lỗ (do giá trị thực đã giảm nhiều so với giá trị sổ sách). Hơn nữa, điều này cũng có thể làm xói mòn nỗ lực của các NHTM trong việc khắc phục những sai lầm đã gây ra trong quá khứ.
Do đó, theo tôi nên dựa theo giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận ở một mức giá công bằng nhất cho mỗi khoản nợ xấu giữa người bán và người mua.
Nghị định 53 cũng quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu hồi nợ. Theo ông điều này có quan trọng?
Rất quan trọng vì không chỉ dừng lại ở việc mua về, VAMC còn phải tìm cách bán được nợ ra trên thị trường mua bán nợ để thu hồi được nợ về. Nghị định 53 đã đề ra nhiều giải pháp liên quan đến nội dung này, song tựu trung có hai cách chính: Một là, sau khi VAMC thu về các khoản nợ đi kèm TSĐB sẽ bán lại nợ, hoặc TSĐB để thu hồi nợ. Nhưng việc bán TSĐB này - chủ yếu là bất động sản sẽ tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu là một mảnh đất đơn thuần sẽ không thành vấn đề lắm, nhưng nếu đó là đất có nhà cửa trên đó thì VAMC lại phải cử người trông giữ và quản lý để tài sản đó không bị xuống cấp và mất thêm giá trị. Vì vậy, khi đã thu TSĐB về, một vấn đề nữa đặt ra là VAMC lại phải có nguồn lực để quản lý tài sản đó.
Cách thứ hai là VAMC sẽ thỏa thuận với khách nợ về cách thức giải quyết nợ, lộ trình trả nợ và xử lý TSĐB.
Nhưng để bán được nợ thì VAMC cần phải làm gì?
Quan trọng nhất là phải phát triển một thị trường mua bán nợ và tìm kiếm, thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này. Song song với đó, cần xây dựng được một hệ thống đánh giá độc lập để đảm bảo đưa ra được những đánh giá tốt nhất về các vấn đề như: Giá trị của khoản nợ và TSĐB đi kèm; khả năng trả nợ của khách hàng… Việc thống nhất thỏa thuận về giá trị TSĐB có thể hai bên, có thể do nhiều bên tham gia vào để đàm phán.
Theo ông, VAMC sẽ mất bao lâu để giải quyết lượng nợ xấu hiện nay?
Cái đó rất khó nói. Nhưng với việc VAMC sẽ phát hành trái phiếu 5 năm, điều này có thể hàm ý là VAMC sẽ làm xong trong 5 năm kể từ khi thu hồi nợ về.
Vậy VAMC có nên tồn tại sau khi giải quyết xong nợ xấu?
Điều đó cũng tùy. Trên thế giới có những mô hình về sự tồn tại của VAMC khác nhau, nhưng thông thường, VAMC được thành lập để giải quyết nợ xấu nên thường khi đã đạt được mục tiêu thì nên kết thúc. Tuy nhiên, tại một vài quốc gia, mô hình VAMC có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi việc giải quyết nợ xấu đã thành công. KAMCO của Hàn Quốc là một ví dụ. Thế nên tồn tại của VAMC như thế nào hoàn toàn là lựa chọn chính sách của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hồng Quân