Xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể sẽ kéo dài hơn dự tính
Đánh giá về VAMC, báo cáo thể hiện sự lo ngại về năng lực hoạt động của tổ chức này về sự thiếu nguồn lực (bao gồm cả tài chính) để đáp ứng nhu cầu vốn hóa ngành ngân hàng
Ngày 07/04/2014, Ngân hàng thế giới tổ chức họp báo công bố báo cáo Cập nhật kinh tế vùng Đông Á vùng Thái Bình Dương.
Trong báo cáo này, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu (với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng và giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước). Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014 mặc dù thấp hơn 2013. Lạm phát có thể nằm trong chỉ tiêu của chính phủ là 7% vào năm 2014 với giả định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.
Dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014 với chương trình tái cơ cấu đang được đà đi lên. Theo báo cáo, những nỗ lực để thoái vốn nhà nước ngoài ngành và cổ phần hóa một số lớn các DNNN có thể gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư về cam kết của chính phủ với các chương trình này.
Vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể sẽ kéo dài hơn dự tính do sự phức tạp của những vấn đề liên quan nhưng cần cấp thiết giải quyết. Nhiều hoạt động trong số những hoạt động này sẽ liên quan đến chi phí và “không rõ những chi phí này sẽ được đáp ứng như thế nào?” Đánh giá về VAMC, báo cáo thể hiện sự lo ngại về năng lực hoạt động của tổ chức này về sự thiếu nguồn lực (bao gồm cả tài chính) để đáp ứng nhu cầu vốn hóa ngành ngân hàng, về tiến độ thực hiện cũng như các vấn đề khác.
Mặc dù vậy, những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và có nhiều rủi ro:
(i) Tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến tiêu cực nào
(ii) Tuy xác suất nhỏ nhưng các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu
(iii) Đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và kém bền vững
Tỷ lệ lạm phát giảm đã tạo cơ hội cho NHNN nới lỏng quy định lãi suât để kích cầu khu vực tư nhân tuy nhiên tín dụng chỉ tăng chậm. Báo cáo cho rằng các hoạt động tín dụng “chùng xuống” khi các ngân hàng, với bảng cân đối phải chịu thêm gánh nặng từ tỷ lệ xấu cao, e sợ những rủi ro ngày càng gia tăng và đang dự kiến sẽ tháo bớt đòn bẩy tài chính. Nhu cầu tín dụng thấp, thể hiện sự tự tin kinh doanh thấp trong khu vực tư nhân.
Ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB nói về nợ xấu của Việt Nam:
“Ở các nước, để nợ xấu trong ngân hàng xử lý được thì đòi hỏi các cơ quan chức năng phải không chấp nhận, không dung nạp các cách thức né tránh trích lập dự phòng nợ xấu của các NH. Cách thứ 2 là lấy nợ xấu khỏi NH và để tổ chức khác xử lý. VD ở Việt Nam thì có VAMC. Tôi không thể khuyến nghị ở Việt Nam nên làm như thế nào vì không biết quy mô thực sự của nợ xấu ở VN là bao nhiêu nhưng thực sự nợ xấu đang kéo lùi sự phát triển của các NH và nền kinh tế. Nếu lựa chọn, nên lựa chọn phương án để các NH tự giải quyết nhưng nhà nước phải có chính sách quản lý quyết liệt như trên”.
Hải Minh