Xử lý thích đáng hành vi kinh doanh trái phép, góp phần lành mạnh hóa hoạt động tài chính, ngân hàng
Quá trình xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, bị cáo Kiên đã quanh co chối tội, cho rằng không phạm tội kinh doanh trái phép.
- 28-05-2014Xét xử vụ Bầu Kiên sáng 28/5: Luật sư xuất trình chứng cứ bào chữa cho hành vi kinh doanh trái phép
- 24-04-2014Từ “kinh doanh trái phép” đến sở hữu chéo
- 02-04-2014Xét xử vụ Bầu Kiên: Bàn về chuyện kinh doanh trái phép
- 20-12-2013Những phi vụ kinh doanh trái phép và lừa đảo của bầu Kiên
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, phát huy được tính năng động, tự chủ, sáng tạo, trách nhiệm đối với xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận, lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” đã thực hiện nhiều hành vi kinh doanh không lành mạnh, gian dối, thao túng, lũng đoạn thị trường, trốn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Việc kịp thời phát hiện, kiên quyết đưa ra ánh sáng tổ chức tội phạm kinh tế đặc biệt nguy hiểm do Nguyễn Đức Kiên cầm đầu thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật này ra khỏi đời sống xã hội.
Quá trình xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, bị cáo Kiên đã quanh co chối tội, cho rằng không phạm tội kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ về vụ án đã thể hiện rõ bản chất ngoan cố, xảo quyệt của bị cáo này.
Trên thực tế, 05 công ty do Nguyễn Đức Kiên thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, gồm các công ty B&B, AFG, ACBI, ACI và ACI-HN có đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, như bất động sản, mua bán vàng, bạc, xuất nhập khẩu, xây dựng dân dụng... , nhưng không đăng ký ngành nghề mua bán cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.
Qua điều tra, Cơ quan điều tra xác định 05 công ty này từ khi thành lập đến khi bị phát hiện có hành vi sai phạm chỉ chuyên phát hành trái phiếu, bán cho các ngân hàng mà Kiên có quan hệ “chi phối”; số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này, Kiên đã chỉ đạo mua, bán cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các ngân hàng, doanh nghiệp khác với số tiền đặc biệt lớn lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Vì thế, có bạn đọc đã mỉa mai rằng: “Những ngành nghề có giấy phép kinh doanh thì Kiên không kinh doanh, những ngành nghề không có giấy phép kinh doanh thì Kiên lại kinh doanh và kinh doanh với số lượng rất lớn”(?!).
Vấn đề đặt ra ở đây là những hành vi kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thực hiện nêu trên có phạm tội kinh doanh trái phép hay không?
Theo khoản 1, Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định nghĩa vụ doanh nghiệp: “Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”.
Theo quy định này, việc kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh cho nên phải hoạt động theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cả 05 công ty B&B, AFG, ACBI, ACI và ACI-HN đều không có nội dung đăng ký mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trong khi đó Điều 159 Bộ luật hình sự về tội kinh doanh trái phép quy định rõ: “1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật.
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên.
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
Vì vậy, việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điểm a, c khoản 2, khoản 3 Điều 159 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép là đúng pháp luật, hoàn toàn không có chuyện oan, sai như Nguyễn Đức Kiên đã “kêu ca” trước tòa.
>>> Các công ty của Bầu Kiên đã đầu tư hơn 1 tỷ USD như thế nào?
Theo Lê Văn