10 nhân vật đã “đẩy” nước Mỹ đến “vách đá tài khóa”
Theo Marketwatch, dưới đây là 10 nhân vật đã “đẩy” nước Mỹ đến bờ vực “vách đá tài khóa”.
Trong những ngày này, nền kinh tế Mỹ đang bị bao trùm bởi “vách đá tài khóa” đang cận kề. Nhiều ước tính đã được thực hiện để tính toán kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu như kịch bản này xảy ra.
Tuy nhiên, có 1 điều cũng cần được lưu ý: ai sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này? Theo Marketwatch, dưới đây là 10 nhân vật đã “đẩy” nước Mỹ đến bờ vực “vách đá tài khóa”.
Arthur Laffer
Laffer là nhà kinh tế học đã nghĩ ra Đường cong Laffer – đường cong biểu diễn quan hệ số thu thuế là hàm số của thuế suất. Đây là một trong những lý luận trung tâm của kinh tế học trọng cung. Theo lý thuyết mà ông đưa ra, cắt giảm thuế suất sẽ khiến doanh thu thuế tăng lên.
Ý tưởng này đã thúc đẩy những chính trị gia bảo thủ muốn giảm thuế nhưng không muốn tăng thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ý tưởng của Laffer không đúng với những gì diễn ra trên thực tế: cắt giảm thuế không khiến doanh thu tăng lên. Cắt giảm thuế thậm chí còn là nguyên nhân chính dẫn đến khoản nợ quốc gia 16.000 tỷ USD.
Pete Peterson
Peterson là tỷ phú quỹ đầu cơ đã làm việc trong nội các của cựu Tổng thống Reagan. Ông đã thành lập, tài trợ và ủng hộ cho hầu hết các định chế nghiên cứu về thâm hụt ngân sách ở Washington như quỹ Peterson, Fiscal Times cũng như bộ phim tài liệu phản đối thâm hụt có tiêu đề “I.O.U.S.A.” Nếu như không có hàng tỷ USD tài trợ của có lẽ thâm hụt chỉ là vấn đề thứ yếu và không nhận được nhiều sự quan tâm.
Bill Clinton
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bill Clinton, ngân sách Mỹ dễ dàng đạt được trạng thái thặng dư. Điều tồi tệ hơn là dường như ông đã làm cho thặng dư ngân sách trở thành điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Nước Mỹ có được tình trạng thặng dư này một phần là bởi Washington đã tiết kiệm chi tiêu tối đa trong khi tăng thuế. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được trong thời kỳ kinh tế bùng nổ.
Sau khi ông Clinton rời khỏi Nhà Trắng, các chính trị gia vẫn nghĩ rằng thặng dư là mãi mãi, giống như quan điểm của nhà đầu tư cho rằng phố Wall có thể tăng điểm mãi mãi. Tất nhiên, thực tế không phải là như vậy.
Alan Greenspan
Greenspan là người luôn luôn cảnh báo Quốc hội Mỹ về nguy cơ thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, thất bại lớn nhất của ông xảy ra vào năm 2001. Khi đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Fed, ông đã phát biểu trước Quốc hội rằng giảm nợ là điều tồi tệ nhất mà Fed có thể làm. Theo ông, hành động trên sẽ phá hủy thị trường trái phiếu và Fed sẽ mất khả năng kiểm soát nền kinh tế.
Do đó, ông đã ủng hộ chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Bush. Người ta cũng coi ông là người đã thổi bùng bong bóng nhà đất trong những năm 2000 với chính sách lãi suất thấp và từ chối việc chấn chỉnh hệ thống tín dụng đen.
George W. Bush
Không ai phải chịu trách nhiệm về nợ của nước Mỹ nhiều hơn cựu Tổng thống Bush. Trong chiến dịch tranh cử năm 2000, ông đã hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế để giảm nợ. Khi khủng hoảng xảy đến vào năm 2001, ông lại cho rằng giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Tồi tệ hơn nữa, khi kinh tế không phục hồi, chính sách giảm thuế vẫn được sử dụng.
Dick Cheney
Trong khi ông Bush bận rộn với các chính sách cắt giảm thuế, cựu phó Tổng thống Dick Cheney lại bận rộn với các cuộc chiến tranh. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã đem quân đi khắp nơi trong khi không tăng thuế ở quê nhà để trang trải chi phí. Điều này khiến nợ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
David Lereah
Lereah là chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội chuyên viên bất động sản Mỹ - National Association of Realtors. Do đó, chắc chắn ông là người cổ vũ nhiệt tình nhất cho bong bóng nhà đất. Kể cả khi bong bóng đã đi đến thoái trào, Lereah vẫn cho rằng nhà đầu tư sẽ không bao giờ bị lỗ nếu đầu tư vào địa ốc.
Tất nhiên, không phải chỉ có mình Lereah gây nên bong bóng nhà đất. Tuy nhiên, ông là người đã khởi xướng nên lòng tham trên thị trường nhà đất. Các ngân hàng trên phố Wall được hưởng lợi trong khi người sở hữu nhà ngập chìm trong nợ nần.
Bong bóng nhà đất và tín dụng đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tài chính hồi năm 2008 và là nguyên nhân trực tiếp gây nên thời kỳ suy thoái kèm theo khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Grover Norquist
Với vai trò là người phụ trách tài chính của các chiến dịch tranh cử, Norquist đã buộc hầu hết các quan chức của đảng Cộng hòa cam kết không bao giờ nâng thuế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu ai đó từ chối hoặc vi phạm điều này, họ sẽ gặp phải những thách thức lớn.
Norquist cũng đe dọa sẽ phá hủy những thỏa thuận ngân sách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong 2 năm qua. Đảng Dân chủ cho rằng bất cứ kế hoạch cân bằng ngân sách nào cũng sẽ phải bao gồm cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa phản đối gay gắt các biện pháp tăng thuế.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Norquist đã mất đi quyền lực. Một số ứng viên đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay mà không cần đến cam kết.
Barack Obama
Ông Obama đương nhiệm trong bối cảnh nước Mỹ có thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục. Ông đã thực hiện các gói kích thích tài khóa quy mô lớn, cứu trợ ngành ô tô và thêm vào đó còn mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Vách đá tài khóa đã xuất hiện sau khi chính quyền của ông Obama tiến hành cuộc thương lượng đầu tiên năm 2011.
John Boehner
Người phát ngôn của Nhà Trắng đã bị “mắc bẫy” Grover Norquist. Mùa hè năm 2011, ông đã gần như ép buộc nước Mỹ phải vỡ nợ khi không bỏ phiếu ủng hộ tăng thuế. Thảm họa “vách đá tài khóa” chính là hậu quả của việc ông không có khả năng hướng các nghị sĩ đến 1 thỏa thuận.
Thu Hương