MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

11 món hàng đầu tư lạ đời thay cho vàng

26-12-2014 - 14:25 PM | Tài chính quốc tế

Tem, đồ gốm Trung Quốc, rượu, đồng hồ đeo tay ... thậm chí là súng là những loại tài sản có thể cất giữ giá trị giống như vàng.

Warren Buffet từng hài hước cho rằng: “Vàng là một thứ lạ lùng nhất. Người ta đào nó lên từ đất, rồi lại nung chảy nó, đào một cái lỗ khác và... chôn nó lại.” Từng được xem là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của con người nhưng trong vài năm qua, vàng liên tục rớt giá khiến lòng tin con người có phần bị lung lay. 
 
Đối với những ai không tin vào thị trường tài chính chính thống thì họ có thể chọn lựa một vài cách “không chính thống” sau đây để cất giữ tài sản của mình:
 
1. Tem
 
Tại một cuộc đấu giá vào năm 2010, Bill Gross, một nhà đầu tư trái phiếu “có cỡ”, từng phát biểu rằng những con tem quý hiếm còn “giá trị hơn thị trường cổ phiếu”. Đây là sở thích sinh lời khá tốt. Chỉ số 30 con tem quý hiếm (GB30) đã tăng 74% trong 6 năm qua từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu.
 
2. Súng và vũ khí
 
Đây cũng là lĩnh vực khá hấp dẫn với một số người. Theo trang ammo.net, giá của khẩu Remington .223 đã tăng 224% từ năm 1999 đến 2011, vượt xa mức lạm phát. Đặc biệt, trong giai đoạn sau khi tổng thống Obama đắc cử thì lượng súng bán càng chạy vì có những tiên đoán cho rằng ông sẽ thông qua những đạo luật hạn chế vũ khí.
 
Aaron Clarey, một nhà kinh tế học và tác gia, đã viết: “Ngoài chuyện sở hữu súng vì lý do an toàn thì đây cũng là một dạng đầu tư vì súng và vũ khí luôn giữ được giá trị thực.”
 
3. Đồ gốm Trung Quốc
 
Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu trong nghệ thuật này. Chỉ số đầu tư Knight Frank dự báo giá trị các món đồ gốm sẽ tăng 45% trong vòng 5 năm tới. Vào tháng tư năm nay, một chiếc tách thời nhà Minh đã được bán với giá 36 triệu đô trong một cuộc đấu giá.
 
4. Rượu
 
Quỹ đầu tư rượu WIF cho thấy rượu cho lợi nhuận rất tốt so với vàng, dầu và các chỉ số FTSE và Hang Seng trong năm nay. Và một điều ít ai biết là Vatican là nhà tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ chỉ đứng ở vị trí 56.
 
5. Kỷ vật
 
Từ những tấm áp phích phim cũ cho đến những chữ ký hiếm hoi của các ngôi sao đã qua đời đều có thể trở thành một gia tài cho những ai sở hữu hoặc mua lại chúng. Do chúng hiếm nên giá cả cũng tăng chóng mặt theo thị hiếu.
 
Hersh Borenstein, chủ sở hữu tập đoàn Frozen Pond Inc., cũng là nhà phân phối kỉ vật môn hockey, cho biết: “Tôi từng biết có người mua lại những chiếc áo đấu của đội Gretzky với giá 50.000 đô la, sau đó bán lại với giá 200.000 đô la. Tương tự là những chiếc áo của Booby Orr được mua giá 30.000 đô trong năm 1996 và bán lại với giá 170.000 đô cách đây khoảng 4 hoặc 5 năm. Kỷ vật cũng giống như tác phẩm nghệ thuật, chúng rất có tiềm năng sinh lời, nhưng bạn phải chọn đúng món.”
 
6. Xe hơi cổ
 
Giá trị các loại xe cổ điển đã tăng 456% trong 10 năm qua, theo số liệu của chỉ số đầu tư Knight Frank. Những chiếc xe như Ferrati 250 GT sản xuất năm 1958 đã được đấu giá tới 8,8 triệu đô la hồi tháng 1 năm nay.
 
Theo công ty bảo hiểm Hagerty, giá trị các xe cổ của Anh và Đức cũng tăng  một cách ổn định từ năm 2013 đến nay.
 
7. Đồng hồ đeo tay
 
Nhu cầu cao, nguồn cung ít, chi phí bảo trì lại thấp là tất cả những lí do khiến chúng ta nên đầu tư vào một chiếc đồng hồ đeo tay cao cấp. Những mẫu hiếm như Rolex và Patek Philippe đều giữ được hoặc tăng giá trị theo thời gian.
 
Theo chuyên gia đấu giá Toby Sutton, nhiều đồng hồ cũ hoặc đã qua sử dụng  đều đã tăng giá trị đáng kể suốt thập niên qua.
 
8. Kim cương
 
Rõ ràng là mua kim cương thì phức tạp hơn nhiều so với mua vàng, nhưng một quyết định đúng đắn có thể mang lại lợi nhuận đáng kể.
 
Philip Manduca, giám đốc một công ty tư nhân mới đầu tư vào một mỏ kim cương ở Lesotho, phát biểu với Bloomberg: “Lý do khiến tôi đầu tư vào canh bạc này là vì tiền giấy đang mất giá trên khắp toàn cầu. Sẽ không có loại “tiền” nào khác giúp cất giữ toàn bộ tài sản của bạn tốt như kim cương đâu.”
 
9. Đồng xu hiếm
 
Theo chỉ số đầu tư Knight Frank, các đồng xu hiếm đã tăng giá 220% nhờ vào sự “quý hiếm” của mình.
 
Theo Terry Hanlon, chủ tịch hiệp hội các nhà sưu tập tiền chuyên nghiệp, hầu hết những người mua các đồng xu hiếm là những người đang được hưởng lợi nhuận nhờ vào thị trường đang giai đoạn bán tăng và họ muốn tái đầu tư vào những mặt hàng không phụ thuộc vào đồng đô la.”
 
10. Chữ ký của các nhân vật nổi tiếng
 
Giống như kỉ vật, chữ ký cũng hấp dẫn mọi người vì nó hiếm và có liên quan đến người nổi tiếng. Paul Fraser, chủ công ty sưu tập cùng tên, cho biết: “Có khoảng 200 triệu nhà sưu tập chữ kí một cách nghiêm túc trên thế giới, và ước tính sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đây là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn vì các nhà sưu tập hàng đầu luôn tranh nhau mua các chữ ký tốt nhất. Nhiều viện bảo tàng cũng mua những mẫu chữ kí đặc biệt. Và điều tuyệt vời nhất là luôn có một lượng cung cầu vô tận đối với những chữ kí hấp dẫn nhất.” Theo chỉ số PFC40, giá của một đồ vật có chữ kí của Neil Armstrong đã tăng 1345% trong giai đoạn 2000 đến 2013.
 
11. Các tác phẩm nghệ thuật
 
Jeff Gundlach, một chuyên gia cổ phiếu, cho rằng nghệ thuật là phiên bản “xách tay” của vàng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng số người đầu tư vào mặt hàng này ngày càng tăng: “76% những nhà sưu tầm nghệ thuật mua tranh vì mục đích nghệ thuật, nhưng với quan điểm đầu tư (tăng mạnh so với 53% trong năm 2012). Điều đó cho thấy rằng khía cạnh đầu tư là điều gì đó mà các nhà sưu tập ngày càng quan tâm.”
 
Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

Business Insider

Trở lên trên