MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2015: Khủng hoảng giá dầu sẽ chấm dứt?

27-12-2014 - 12:02 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ khiến người ta đặt câu hỏi về tầm ảnh hưởng của OPEC cũng như mối quan hệ giữa dầu và chính trị.

Thập niên 70 của thế kỷ trước đánh dấu một bước ngoặc trong mối quan hệ giữa dầu và quyền lực. Đó là thập niên mà những xáo trộn lớn ở Trung Đông đã buộc phương Tây phải “thuận theo giá dầu”, dẫn đến sự nổi lên một thế lực gọi là “dầu-chính trị” thống trị toàn cầu từ đó đến nay.
 
Đầu tiên là cuộc khủng hoảng năm 1973, khi các thành viên Ả rập của OPEC cắt giảm nguồn cung nhằm phản ứng  lại cuộc chiến Yom Kippur (còn gọi là cuộc chiến Ả rập – Israel thứ tư).
 
6 năm sau, cuộc cách mạng Iran đã khơi mào cho một cú sốc về nguồn cung dầu lần thứ 2.
Về sau, chính sách kinh tế và đối ngoại vẫn đan xen nhau một cách rối ren, khi các quốc gia công nghiệp lớn tranh nhau làm thân với các nhà cung cấp của họ, bỏ qua cả những khác biệt về tư tưởng, và trong một số trường hợp thậm chí đã có chiến tranh – cũng vì quá muốn bảo đảm sự tiếp cận của mình với nguồn nhiên liệu hóa thạch này.
 
Giờ đây cái vòng lẩn quẩn quen thuộc đó sắp đi đến hồi kết – thậm chí sẽ kết thúc một cách nhanh chóng.
 
Sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu từ đá phiến ở Mỹ trong vài năm qua đã và đang lập lại trật tự sản xuất dầu trên thế giới, biến quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này thành nhà sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới, theo Cơ quan năng lượng quốc tế.
 
Cùng với đó là sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và nhiều mỏ dầu mới cũng được phát hiện ở những khu vực khác – kết quả là giá một thùng dầu thô đã giảm 33%, tính đến thời điểm này.
 
Cơn lốc bán tháo sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu dầu ra sao?
 
Dù những thay đổi về giá cả có thể là nhanh và đột ngột, nhưng xu hướng dài hạn là một nước Mỹ tự chủ về năng lượng và điều này sẽ làm thay đổi trục quyền lực truyền thống vì cam kết ủng hộ của quốc gia này đối với một khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ, nhưng đầy rắc rối, bắt đầu suy giảm.
 
Một điều nữa là: giá dầu giảm mạnh trong giai đoạn này có thể giúp phương Tây giải quyết những chuyện cũ mà không cần đến những biện pháp trừng phạt truyền thống - như các lệnh trừng phạt đối với những quốc gia như Iran và Nga. Bản đồ ngoại giao quốc tế sẽ được vẽ lại. Vì sao? Vì ở mức giá dưới 100 USD/thùng, giá dầu trở thành một công cụ hiệu quả hơn so với các lệnh cấm vận.
 
Với ngân sách dựa trên ước tính giá dầu khoảng 135 USD/thùng, các nhà phân tích tin rằng giá dầu quá thấp trong năm 2014 có thể làm hỏng mọi toan tính tài chính của Tehran.
 
Bị cấm giao dịch với các thị trường lớn của thế giới, và bị chặn nguồn cung USD, giá trị nguồn xuất khẩu chính của Iran có khả năng gây hại đến sự ổn định của chế độ hiện thời, khiến lời hứa tạo ra việc làm và phát triển cho quốc gia có nền dân số trẻ này của tổng thống  Hassan Rouhani có thể gặp nguy hiểm.
 
Ở Nga, ngân sách được cho là hoạch định theo mức giá 100 đô la/thùng, thì sự thiếu hụt tài chính sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình của một nền kinh tế đã trên bờ vực suy thoái vì các lệnh phạt của phương Tây trong vụ khủng hoảng Ukraine.
 
Dầu “chết” thì loài người  được “cứu”
 
Nga đã thả nổi đồng rúp và chắc chắn không thể tiếp tục dùng nguồn dầu dự trữ của mình để tạo ra sự khác biệt mà không khiến giá tiêu dùng – vốn đã ở mức cao trong 3 năm qua - tăng mạnh.
 
Sự trượt dốc của dầu sẽ không khiến tất cả các chế độ của thế giới tự sụp đổ. Nhưng từ năm 2015 trở đi, nó sẽ mở ra một kỉ nguyên mới: một kỉ nguyên thịnh vượng nội địa do dầu mang lại cho nước Mỹ và một sự thay đổi trong cán cân quyền lực trên hành tinh này.
 
OPEC – với sức mạnh và tầm ảnh hưởng đã suy giảm trong nhiều năm qua – sẽ trở nên ít liên quan đến tình hình thế giới hơn. Dầu sẽ trở nên dồi dào hơn và công nghệ xanh sẽ được áp dụng để giúp hydrocacbon dành phần thắng trong cuộc đua năng lượng. 
 
Khi những giả thiết này xảy ra cũng là thời điểm mà sức mạnh của dầu không còn và khi đó cũng chẳng có cuộc khủng hoảng dầu mỏ nào nữa.
 
Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

CNN

Trở lên trên