MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc lao đao

14-03-2014 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Tổng cộng kể từ đầu năm tới nay, giá trị vốn hóa của 4 ngân hàng này đã sụt giảm 70 tỷ USD – tương đương tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ TTCK New Zealand.

Những ngân hàng thu được nhiều lợi nhuận nhất trên thế giới chưa bao giờ bị nhà đầu tư chứng khoán “bỏ rơi” như lúc này.

Phiên giao dịch hôm qua (13/3), giá trị vốn hóa của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Giá trị thị trường của ICBC (Ngân hàng Công thương Trung Quốc) lần đầu tiên ở mức thấp hơn tài sản ròng. 

4 ngân hàng nhà nước cũng là 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nợ xấu tăng lên trong khi các nhà hoạch định chính sách quyết định mở cửa hệ thống tài chính cho các khu vực tư nhân. 

Tổng cộng kể từ đầu năm tới nay, giá trị vốn hóa của 4 ngân hàng này đã sụt giảm 70 tỷ USD – tương đương tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ TTCK New Zealand. Các ngân hàng Mỹ và châu Âu như Wells Fargo & Co. và JPMorgan Chase & Co. đã đánh bại ICBC trong danh sách những ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thế giới.

Nhớ lại năm 2011, cổ phiếu của ICBC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Bank of China vẫn là những cổ phiếu được nhà đầu tư yêu thích. Khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng với tốc độ gần 10% và các ngân hàng thu được lợi nhuận khổng lồ từ tăng trưởng tín dụng. Còn giờ đây, nhà đầu tư đang lo ngại trước khối lượng nợ xấu khổng lồ và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 7,5% - thấp nhất kể từ năm 1990. 

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng mong muốn tăng cường vai trò của thị trường và điều này tạo nên sức ép lớn đối với các ngân hàng nhà nước. Hôm 11/3 vừa qua, Thống đốc NHTW Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên đã khẳng định sẽ dần dần thả nổi lãi suất trong 2 năm tới. Trung Quốc cũng dự định sẽ thành lập 5 ngân hàng tư nhân. 

Trên sàn chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu của 4 ngân hàng này đã giảm trung bình 15% (Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc giảm mạnh nhất – 18%). Tỷ lệ P/B của ngân hàng này ở mức 0,94 lần – thấp nhất kể từ khi IPO năm 2010 và giảm mạnh so với mức 2 lần hồi tháng 3/2011. Tỷ lệ của P/B của JPMorgan và BNP Paribas (ngân hàng lớn nhất ở Pháp) lần lượt là 1,08 lần và 0,87 lần. 

Những con số là dấu hiệu mới nhất về những điểm yếu đang lan rộng trong nền kinh tế có quy mô 9.000 tỷ USD. Trước đó, số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 2 đột ngột sụt giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính, chỉ số lạm phát tăng chậm và tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc cũng không giống như dự báo. 

Theo Mike Monnelly – chuyên gia quản lý tiền tệ tại Arhammar Global Capital Management LLP có trụ sở tại London, các ngân hàng này còn phải gánh trọng trách tài trợ vốn cho các công ty bên bờ vực vỡ nợ trái phiếu. 

Hồi tháng 1, Trung Quốc đã tránh được vụ vỡ nợ quỹ tín thác đầu tiên trong ít nhất 1 thập kỷ. Nhà đầu tư rót tiền vào các sản phẩm được phát hành bởi China Credit Trust Co. và phân phối bởi ICBC đã được giải cứu chỉ vài ngày trước khi nợ đáo hạn. Các sản phẩm này có tổng giá trị lên tới 3 tỷ nhân dân tệ và đem lại lợi suất cao.

Chủ nợ của công ty năng lượng mặt trời Chaori thì không may mắn như vậy. Chaori trở thành vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa đầu tiên ở Trung Quốc sau khi không thể thanh toán các khoản nợ đáo hạn vào ngày 7/3.

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên