MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 hãng dược châu Âu đối mặt án phạt 428 triệu Euro

21-07-2014 - 17:25 PM | Tài chính quốc tế

Ủy ban châu Âu đã ra áp đặt án phạt 428 triệu Euro cho 6 hãng dược phẩm với lý do các hãng này vi phạm luật cạnh tranh.

Cụ thể, các hãng dược đã cố tình trì hoãn việc đưa ra thị trường các sản phẩm tương đương với giá rẻ hơn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, trái với luật của Liên minh châu Âu.

Theo báo Thế giới của Pháp, trong số các hãng bị phạt, có hãng Servier của Pháp với số tiền phạt lên tới 331 triệu Euro. Servier sản xuất thuốc Coversyl điều trị cao huyết áp và suy tim, riêng loại thuốc này đã mang lại doanh số hơn 1 tỷ Euro, chỉ riêng trong hai năm 2006 và 2007.

Theo quy định của Liên minh châu Âu, hãng dược phẩm chỉ được thu lợi nhuận siêu ngạch trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó buộc phải đưa ra sản phẩm tương đương với giá thấp hơn. Servier đã cố tình trì hoãn đưa ra thị trường phiên bản giá rẻ của Coversyl, để duy trì siêu lợi nhuận từ loại thuốc này.

Một mánh khoé nữa của Servier bịỦy ban châu Âu tố cáo là hãng này đã “rót tiền” vào một số phòng thí nghiệm đang nghiên cứu loại thuốc tương đương, với mục đích kìm hãm tốc độ nghiên cứu, nhằm duy trì lâu dài thế độc quyền của mình trên thương trường. Nhật báo phố Wall trích lời Cao ủy châu Âu về cạnh tranh rằng “cách làm của Servier vi phạm luật cạnh tranh, gây thiệt hại cho người bệnh, cho hệ thống y tế và cho ngân sách công”.

Theo luật, Servier chỉ được độc quyền loại phân tử tạo ra thuốc Coversyl đến năm 2003, sau năm đó bất cứ hãng dược nào cũng có quyền tạo ra thuốc với cùng cấu trúc phân tử. Tại Anh, năm 2007, một hãng dược đã tung ra sản phẩm tương đương với Coversyl và ngay lập tức, giá thuốc điều trị cao huyết áp và suy tim tại Anh đã giảm tới 90%. Ví dụ này được Ủy ban châu Âu đưa ra cho thấy, độc quyền thuốc chữa bệnh tác động thế nào tới túi tiền của bệnh nhân nhất là gây hại cho ngân sách công, vì đa số chi phí y tế thuốc men nơi đây đều do bảo hiểm y tế phải chi trả.

Một ví dụ khác tại Thuỵ Sĩ được báo Người Paris thuật lại, liên quan đến thuốc chống chứng bệnh đa xơ cứng. Hãng dược phẩm Biogen Idec của Anh tung ra thuốc Tecfidera chữa bệnh này, với giá điều trị mỗi năm cho mỗi bệnh nhân là 30.000 Euro. Nhưng một dược sĩ người Thuỵ Sĩ đã chứng minh là ông có thể chữa bệnh này với giá chưa tới 1/10, chỉ với 2.500 Euro.

Tại Pháp có 80.000 người mắc bệnh đa xơ cứng, báo Người Paris giả định chỉ có 10.000 người điều trị bằng thuốc Tecfidera, Bảo hiểm y tế Pháp đã phải chi trả tới 300 triệu Euro mỗi năm, trong khi lẽ ra có thể chỉ phải chi 25 triệu Euro. Đó là lý do Ủy ban châu Âu phải dùng luật để cân bằng giữa lợi ích của công nghiệp dược phẩm và lợi ích của cộng đồng.

Câu chuyện vi phạm luật cạnh tranh của các hãng dược phẩm châu Âu sẽ được phản ánh chi tiết qua góc nhìn của báo chí quốc tế trong Video dưới đây:

cucpth

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên