MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 sự kiện tài chính quốc tế nổi bật năm 2013

02-01-2014 - 15:36 PM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán có một năm bùng nổ, chính trường thế giới đầy biến động, Trung Quốc cải cách, sự trỗi dậy của bitcoin, chính phủ Mỹ đóng cửa ... là những sự kiện nổi bật của năm 2013.

1.  Năm bùng nổ của chứng khoán

Năm 2013, cổ phiếu liên tục là tài sản sinh lời tốt nhất với lợi suất vượt trội so với những tài sản đầu tư khác như trái phiếu, đồng USD hay hàng hóa. Vốn đổ vào các quỹ chứng khoán cao nhất kể từ năm 2010.
Các chỉ số chính, từ TTCK Mỹ, châu Âu cho đến châu Á liên tiếp phá vỡ các mốc kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Chỉ số S&P 500 tăng 30% trong năm 2013 (mạnh nhất kể từ 1997) và Dow Jones tăng 27% (mạnh nhất kể từ 1995). Chứng khoán Nhật tăng mạnh nhất từ 1972. TTCK châu Âu tốt nhất kể từ 2009.

Nguyên nhân là do kinh tế Mỹ và châu Âu ngày càng có nhiều dấu hiệu hồi phục, các NHTW (đặc biệt là Fed và Nhật Bản) vẫn tiếp tục bơm tiền.

2. Bế tắc ngân sách khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa

Những bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên tục khiến nước Mỹ lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu như đầu năm 2013,  nước Mỹ thở phào vì đã thoát được “vách đá tài khóa” thì cuối năm lại thu hút sự chú ý của toàn thế giới với sự kiện chính phủ đóng cửa.

Từ 1/10 đến 16/10, lần đầu tiên trong 17 năm, chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa. Con số ước tính cho thấy kinh tế Mỹ thiệt hại 24 tỷ USD, uy tín bị tổn hại. Tuy nhiên, ngày 12/12, dự luật ngân sách 2014-2015 đã được thông qua, tránh nguy cơ phải đóng cửa chính phủ trong hai năm tới.

Nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong năm 2013. GDP tăng trưởng 3,6% trong quý III - cao nhất kể từ quý I/2012, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 5 năm. Ngày 19/12, trước nhiều dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, Fed quyết định giảm lượng trái phiếu mua vào từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD.

3. Chính trường thế giới đầy biến động

Tháng 9, Mỹ đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Syria, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thế giới và khiến thị trường tài chính toàn cầu xáo trộn. Cuối cùng, thế giới thở phào nhẹ nhõm khi Nga -Mỹ đạt được thỏa thuận buộc Syria phải tiêu hủy vũ khí hóa học và xung đột được giải quyết.

Cuối tháng 11, người dân Thái Lan xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Yingluck phải từ chức, buộc Quốc hội phải giải tán. Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 2 năm sau. Bất ổn khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Thái Lan.


Tháng 12, Triều Tiên chính thức thông báo ông Jang Song Thaek – chú của nhà lãnh đạo Kim Jong Un – đã bị xử tử vì tội phản cách mạng. Giới phân tích nhận định đây là động thái củng cố quyền lực và gây dựng nhóm quyền lực mới của Kim Jong Un.

Edward Snowden – cựu nhân viên kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ và có 4 năm làm việc cho Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) - tiết lộ nhiều tài liệu mật về những chương trình do thám của NSA. 35 nguyên thủ quốc gia từng bị nghe lén, Thủ tướng Đức bị nghe lén suốt 10 năm nay. Sự việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa các nước.

Trung Quốc thể hiện quyết tâm chống tham nhũng với nhiều quan chức cấp cao bị điều tra. Chu Vĩnh Khang trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên của Trung Quốc bị điều tra tội phạm kinh tế. Vụ án Bạc Hy Lai khép lại với án chung thân.

4. Trung Quốc cải cách 2.0

Sau Hội nghị TW 3, Trung Quốc công bố nhiều cải cách được cho là “lớn chưa từng có”: nới lỏng chính sách một con, cải cách hệ thống an sinh xã hội, trao nhiều  quyền  hơn  cho  người  nông  dân,  đẩy  mạnh cải  cách  hệ  thống  tài  chính  và  doanh  nghiệp  nhà nước. Đáng chú ý là các cải cách trong lĩnh vực tài chính như cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, chấm dứt can thiệp thông thường vào nhân dân tệ.

Sau năm 2012 tăng trưởng thấp nhất 13 năm và có nguy cơ hạ cánh cứng, kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu thoát đáy trong năm 2013. Thặng dư thương mại và hoạt động sản xuất đều có diễn biến tích cực, lập các mốc cao kỷ lục trong nhiều tháng. 

5. Eurozone lại lung lay với đảo Síp

Tháng 3, đảo Síp gây chấn động cho cả thế giới và khiến Eurozone lung lay với đề xuất đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro. Hệ thống ngân hàng phải đóng cửa 2 tuần. Ngày 24/3, Síp đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ và nhận 10 tỷ euro cứu trợ.

Các số liệu công bố ngày 14/8 cho thấy GDP của eurozone tăng 0,3% trong quý II, đánh dấu khu vực này chính thức thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối được thành lập năm 1999. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi kinh tế của khu vực này vẫn còn lắm gian nan.

Ngày 12/7, Fitch hạ tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống AA+. Mặc dù là một trong những động lực hỗ trợ đà phục hồi của Eurozone,  kinh tế Đức có dấu hiệu chững lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước ở mức cao không thể chấp nhận được.

6. Nỗi lo về dòng vốn bị rút khỏi châu Á

Kịch bản Mỹ rút kích thích dẫn đến dòng vốn ồ ạt bị rút ra khỏi châu Á khiến các đồng nội tệ và TTCK châu Á biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực. Nhiều người lo sợ bóng ma khủng hoảng tài chính trong những năm 1990 đang quay trở lại. Tuy nhiên, chí ít thì trong năm 2013 điều này đã không xảy ra. Các chuyên gia cho rằng châu Á giờ đây đã vững chãi hơn nhiều so với thời kỳ cuối những năm 1990.

Cuối tháng 6, trên thị trường tài chính Trung Quốc xuất hiện tình trạng căng thẳng tiền mặt. Lãi suất qua đêm tăng 5,27% trong một ngày, cao nhất mọi thời đại. Hai ngân hàng lớn ngừng cho vay. TTCK rơi vào thị trường con gấu. Đến tháng 7, Ấn Độ lại rơi vào tình trạng tương tự với lãi suất ngắn hạn tăng vọt.

7. Sự trỗi dậy của Bitcoin

Đồng tiền ảo bitcoin gây sốt trên toàn thế giới khi tăng 400% trong tháng 11. Ban đầu chỉ có giá 0,4 cent, đã có lúc Bitcoin có giá hơn 1.000 USD, tương đương 1 ounce vàng. Cuối tháng 12, giá Bitcoin lại sụt giảm xuống quanh mốc 600 USD.

Nguyên nhân là nhu cầu từ Trung Quốc tăng cao, nhiều nơi chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin và Thượng viện Mỹ bàn về tiền ảo. Nhiều cơ quan quản lý cũng như chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Bitcoin.
 
CafeF

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên