MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 cuốn sách làm nên huyền thoại Steve Jobs

16-10-2014 - 10:54 AM | Tài chính quốc tế

Tại sao Apple lại khác biệt? Điều gì đã giúp Steve Jobs gây dựng được một thương hiệu Apple huyền thoại như ngày nay? Có lẽ đây là điều mà toàn thế giới vẫn băn khoăn và luôn đi tìm câu trả lời.

Trong một lần giới thiệu dòng sản phẩm MacBook, Steve Jobs từng chia sẻ rằng “Apple tạo nên sự khác biệt bởi lý do duy nhất: luôn kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật. Các sản phẩm của chúng tôi không đơn thuần chỉ là những chiếc máy để nghe, gọi hay nhắn tin; chúng còn có thể chơi game, phát nhạc, chỉ đường ... Với chúng tôi, sáng tạo chính là sứ mệnh”

Mới đây, tạp chí Business Insider đã thống kê 9 cuốn sách có ảnh hưởng nhất đến Steve Jobs được nêu trong cuốn "Tiểu sử của Steve Jobs" của tác giả Walter Isaacson.

King Lear (tạm dịch: Vua Lear) của William Shakespeare

Jobs bắt đầu đọc các cuốn sách văn học trong 2 năm cuối trung học. Tôi bắt đầu nghe nhạc và đọc nhiều sách về văn học xã hội hơn, thay vì chỉ đọc sách khoa học, công nghệ. Tôi đọc sách của Shakespeare, Plato và tôi rất thích cuốn King Lear” – Jobs chia sẻ.

King Lear là một câu chuyện bi kịch, kể về vị vua già cố gắng phân chia vương quốc của mình. Mặc dù là một câu chuyện buồn, nhưng nó mang đến cho người đọc nhiều bài học quý báu về kinh nghiệm sống và cách sống. King Lear mô tả rất sinh động và thực tế về cái giá phải trả nếu như bạn đánh mất niềm tin vào chế độ, một câu chuyện luôn hấp dẫn đối với các CEO tham vọng

Moby Dick (tạm dịch: Cá voi Moby Dick) của Herman Melville

Một câu chuyện khác gắn bó với tuổi trẻ của huyền thoại Apple chính là Moby Dick – cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Herman Melville.

Isaacson chia sẻ, vị thuyền trưởng Ahab trong truyện có rất nhiều điểm tương đồng với Steve Jobs. Ahab học hỏi nhiều thứ từ thực tế, chứ không phải trên ghế nhà trường. Kinh nghiệm săn cá voi trắng khổng lồ của thuyền trưởng Ahab còn quý giá hơn những kiến thức mà Đại học Yale hay Đại học Havard dạy sinh viên.

Những bài thơ của Dylan Thomas

Bên cạnh những cuốn tiểu thuyết kinh điển, Steve Jobs còn dành tình yêu cho thơ, đặc biệt là những bài thơ của nhà thơ nổi tiếng xứ Wales - Dylan Thomas.

Những vần thơ của Thomas đã thổi hồn vào Jobs, giúp ông có những suy nghĩ mới. sáng tạo và không bao giờ đi theo lối mòn. Trong tuyển tập thơ này, "Đừng đi vào đêm tối bằng những bước chân nhẹ" là bài thơ mà Jobs yêu thích nhất.

"Đừng đi vào đêm tối bằng những bước chân nhẹ 
Tuổi già phải bùng cháy say cuồng trong lúc cuối ngày;
Hãy giận dữ, giận dữ chống lại ánh sáng đang dần chết..."

Be Here Now (tạm dịch: Hãy vào đây ngay!) của Ram Dass

Vào năm 1972, khi Jobs bắt đầu học tại trường cao đẳng Reed  – một trong những trường nghệ thuật hàng đầu Portland, Oregon; ông bắt đầu đọc sách về tâm linh.

Trong đó, "Be Here Now – một cuốn sách về thiền định của Ram Dass đã hấp dẫn Jobs. “Mặc dù tôi mới chỉ đi những bước đầu tiên trên con đường của mình, nhưng tôi tự nhủ sẽ cống hiến hết mình cho mảnh đất đã sinh ra tôi. Tôi sẽ đem những gì đã học được, chia sẻ với những người sắp đi chung con đường với tôi. Từng người trong chúng tôi đều sẽ làm thế. Đối với tôi, câu chuyện này là một phương tiện để truyền tải thông điệp cuộc sống. Nó đã thay đổi tôi, và rất nhiều người bạn của tôi” – Jobs cho biết.

Diet for a Small Planet (tạm dịch: Chế độ ăn cho hành tinh nhỏ) của Frances Moore Lappe

Trong những năm đầu học tại Reed, Jobs còn đọc Diet for a Small Planet – một cuốn sách viết về chế độ ăn chay mà vẫn giàu protein, đã bán được 3 triệu bản ngay sau khi xuất bản.

“Cuốn sách ca tụng những lợi ích của việc ăn chay không chỉ với cá nhân và với toàn hành tinh này. Trước đó, tôi ăn rất nhiều thịt vào bữa tối. Tôi đã thay đổi và thề sẽ không ăn thịt vì mục tiêu sống tốt hơn” – Jobs chia sẻ. Thậm chí, một người bạn của Jobs kể lại, thời gian đó, nước da của ông đã chuyển sang màu da cam vì ăn quá nhiều cà rốt.

Mucusless Diet Healing System (tạm dịch: Chế độ ăn kiêng không tạo ra niêm dịch giúp chữa lành bệnh) của Arnold Ehret

Thói quen ăn kiêng của Jobs thậm chí còn trở nên nghiêm ngặt hơn khi ông đọc cuốn “Mucusless Diet Healing System” của Arnold Ehret, một người Đức, cuồng tín với các vấn đề dinh dưỡng đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách cho rằng nếu không ăn gì ngoài trái cây và rau, loại không chứa tinh bột, thì sẽ giúp cơ thể ngăn chặn tiết ra niêm dịch gây hại. Jobs bắt đầu cảnh báo những người bạn của mình về những nguy hiểm của niêm dịch ẩn nấp trong những chiếc bánh sừng bò. Ông nói “Tôi tuân thủ theo nó một cách điên rồ như tôi vốn vậy”.

Autobiography (tạm dịch: Tự truyện của một Yogi) của Paramahansa Yogananda

Jobs đọc cuốn “Autobiography” của một Yogi (người tập yoga) người Ấn Độ - Paramahansa Yogananda khi đang học trung học. Sau đó, có thời gian ông đã đọc lại nó tại một nhà nghỉ ở chân đồi Himalayas, Ấn Độ.

“Tôi đã đọc bản copy của cuốn “Autobiography” bằng tiếng Anh mà một khách du lịch để lại trong nhà nghỉ. Tôi đã đọc nó rất nhiều lần bởi vì tôi không có nhiều việc để làm. Tôi đã đi bộ từ làng này đến làng khác và bệnh của tôi đã dần hồi phục” – Jobs từng nói.

Zen Mind, Beginner's Mind (tạm dịch: Thiền Tâm, Sơ Tâm) của Shunryu Suzuki

Sau khi từ Ấn Độ quay trở lại Mỹ, mối quan tâm của Jobs với thiền đạo vẫn không thay đổi. Vào những năm 1970, đạo thiền bắt đầu xâm nhập vào Mỹ tại bang California. Và Jobs đã tham gia lớp học của Shunryu Suzuki, nhà sư Nhật Bản, đồng thời là tác giả cuốn “Zen Mind, Beginner's Mind

“Thiền đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Thậm chí có những lúc tôi đã nghĩ đến việc đi đến Nhật Bản và xin gia nhập tu viện Eihei-ji. Tuy nhiên, có động lực nào đó đã giữ tôi ở lại mảnh đất California này” – Jobs cho biết.

Innovator's Dilemma (tạm dịch: Cản trở của sự sáng tạo) của Clay Christensen

Apple thường tung ra các sản phẩm mới tại đúng thời điểm mà các sản phẩm trước đó đang bán rất chạy. Chẳng hạn như việc Apple tung ra iPhone ngay trong thời điểm iPod đang đạt doanh số ký lục. Điều này đã ngay lập tức khiến iPod trở nên lỗi thời và Iphone trở thành hàng “hot” ngay lập tức.

Jobs đã học chiêu thức này như một phần cần thiết của tăng trưởng, nhờ cuốn sách "The Innovator's Dilemma" của vị giáo sư huyền thoại của trường kinh doanh Harvard - Clayton M. Christensen.

Cuốn sách thừa nhận rằng nhiều công ty thường bị hủy hoại bởi chính sự thành công do họ chỉ dậm chân tại chỗ mà không nghĩ ra các ý tưởng mới. Trong khi đó, Jobs đã làm những điều ngược lại để chứng minh rằng, những sai lầm như vậy sẽ không xảy ra với Apple.

“Điều quan trọng là chúng tôi tạo ra sự khác biệt, giống như cách mà Christensen gọi, người phát minh ra cái mới phải là người cuối cùng nhìn thấy phiên bản trước đó của nó. Và chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau” – Jobs chia sẻ. 

Nguyệt Quế

huongtt

Business Insider

Trở lên trên