Án phạt nặng nhất dành cho BNP
Thậm chí Mỹ còn muốn cấm ngân hàng lớn nhất nước Pháp giao dịch bằng đồng USD.
- 14-06-2014Citigroup đối mặt án phạt 10 tỷ USD
- 06-06-2014Bank of America nộp phạt 12 tỷ USD
- 26-05-2014Thao túng giá vàng, Barclays bị phạt 43,76 triệu USD
- 21-05-2014Giúp nhà giàu Mỹ trốn thuế, ngân hàng Thụy Sĩ nộp phạt 2,5 tỉ USD
Tờ Wall Street Journal đưa tin ngân hàng BNP Paribas và cơ quan khởi tố Mỹ vừa thông qua các điều kiện của thỏa thuận trong đó ngân hàng này sẽ trả 8 – 9 tỷ USD và chấp nhận các hình phạt khác. BNP Paribas phải trả giá cho việc cố tình che giấu các giao dịch tài chính trị giá 30 tỷ USD vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Đồng thời, 30 nhân viên của BNP Paribas cũng sẽ phải ra đi bởi Phòng Dịch vụ tài chính New York cho rằng các cá nhân cũng phải bị trừng phạt trong vụ việc này. Tuy nhiên, phần lớn những người nằm trong danh sách vốn đã tự động rời khỏi ngân hàng.
Các nhà điều tra đã tập hợp thông tin chi tiết về cách thức mà BNP đã sử dụng nhiều chi nhánh ở nước ngoài để che giấu những khoản tiền có liên quan đến các công ty và cơ quan chính phủ ở Sudan trong suốt 5 năm qua. Tổng cộng, cơ quan điều tra đã kiểm tra các giao dịch nghi vấn có tổng trị giá hơn 100 tỷ USD.
(Xem thêm: BNP Paribas phạm luật chơi)
Hầu hết các giao dịch này có liên quan đến Sudan, mặc dù BNP cũng thực hiện những giao dịch kiểu này cho Iran và một số nước khác nằm trong danh sách cấm vận. Hầu hết các giao dịch của Sudan có liên quan đến dầu mỏ.
Khối lượng giao dịch bất hợp pháp mà BNP đã thực hiện được công bố trong thời điểm căng thẳng giữa hai bên bờ Đại Tây Dương về số phận của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang gia tăng. Trước đó, Tổng thống Pháp François Hollande lên tiếng chỉ trích những yêu cầu từ phía Mỹ là “không công bằng”. Mỹ từng yêu cầu cấm BNP Paribas giao dịch bằng đồng USD, trong khi Tổng thống Pháp cho rằng điều này không chỉ đe dọa đến ngân hàng này mà còn đe dọa đến sự ổn định của cả Eurozone. Đến Pháp để dự lễ tưởng niệm ngày D-Day và ăn tối với ông Hollande, Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông sẽ không can thiệp vào công việc của cơ quan luật pháp nước Mỹ.
(Xem thêm: Yếu tố chính trị trong vụ BNP)
Cách đây 1 thập kỷ, BNP trở thành ngân hàng được các công ty Sudan ưa chuộng. Các quan chức chính phủ nước này cố gắng thực hiện giao dịch bằng USD theo cách không vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Năm 2007, ngân hàng này thông báo không còn làm ăn với Sudan. Còn trong trường hợp Iran, năm ngoái BNP đã phải thú nhận vi phạm lệnh cấm vận.
Suốt 5 năm qua, Mỹ đã liên tục điều tra nhiều ngân hàng châu Âu về vi phạm lệnh cấm vận với các nước Trung Đông. Nếu mức phạt dành cho BNP đúng là 9 tỷ USD, đây sẽ là mức cao nhất từ trước đến nay đối với hành vi vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ.
Các quan chức Mỹ kết luận rằng mức độ vi phạm của BNP nghiêm trọng hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Thông thường, các ngân hàng sẽ biến đổi các ghi chép nhằm tránh thu hút sự chú ý của Phòng quản lý tài sản nước ngoài (OFAC – trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ). Trong các trường hợp trước, các ngân hàng sẽ xóa bỏ hoặc che giấu những thông tin có thể bị tuýt còi.
Tuy nhiên, BNP đã tìm ra những cách khác. Ngân hàng này sử dụng các chi nhánh với mã thanh toán riêng để che giấu giao dịch với Sudan.
Thu Hương