MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn trưa với nữ tướng quyền lực của IBM

13-06-2015 - 16:34 PM | Tài chính quốc tế

Bên đĩa salad cải xoăn trong một nhà hàng ở New York, nữ CEO của IBM nói về những “cuộc đối thoại siêu công nghệ” với 500.000 nhân viên, về những chiếc máy biết đưa ra quyết định và tại sao bà ước rằng đáng lẽ chúng tôi nên ăn trưa ở Starbucks.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật mà phóng viên Gillian Tett của FT phỏng vấn là CEO IBM Virginia Rometty. Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc.


 

Tôi bước vào nhà hàng Marlton nằm ở Manhattan, trong đầu tự hỏi mình đang làm gì ở đây. Người phụ nữ tôi sẽ phỏng vấn trong bữa trưa ngày hôm nay là Virginia Rometty (hay còn gọi là Ginni) - nữ lãnh đạo được coi là quyền lực nhất thế giới. Bà đang điều hành IBM – công ty có một nửa triệu nhân viên, nhiều hơn cả số dân của một thành phố cỡ như Cleveland. Bạn có thể tìm thấy công nghệ của IBM ở 90% ngân hàng, 80% hãng hàng không và 70% doanh nghiệp trên toàn thế giới. Năm ngoái, IBM đạt danh thu 93 tỷ USD.

Nói một cách ngắn gọn, Rommetty là một “bà trùm” về doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thường chọn địa điểm cho bữa trưa là những nhà hàng cũng có nhiều quyền lực (điển hình như chuỗi nhà hàng Four Seasons) hay dùng những bữa ăn tập trung vào sức khỏe ngay tại văn phòng. Tuy nhiên, Rommetty hẹn gặp tôi ở một nhà hàng nhìn có vẻ buồn tẻ tại một khách sạn tầm trung với những bộ bàn ghế bằng gỗ. Nhà hàng bật nhạc khá to và có thực đơn đơn giản đến nỗi có thể bị nhầm lẫn là thực đơn trong phòng chờ ra máy bay.

Có phải bà ấy đang cố gắng trốn tránh những ánh mắt tò mò? Hay những bộ bàn ghế rẻ tiền này sẽ tạo cảm hứng đặc biệt cho Rommetty? Có phải đây là hành động thể hiện tính căn cơ tiết kiệm? Trong giới kinh doanh từng xuất hiện tin đồn rằng Rometty sẽ sa thải 100.000 nhân viên trong nỗ lực tái cơ cấu nhằm “khởi động lại” cỗ máy IBM đã 103 tuổi trong một thế giới công nghệ vận động không ngừng. Quỹ I vừa qua, lợi nhuận của hãng gần như không tăng trưởng sau 11 quý sụt giảm liên tiếp. Rometty đang ở giữa “tâm bão”.

Cuối cùng thì nhân vật của tôi đã đến. Bà mặc bộ vest màu kem sang trọng kèm theo chiếc khăn quàng cổ bằng lụa nữa tính. Khuôn mặt được trang điểm một cách tinh tế và chiếc băng đô giúp những sợi tóc ở đúng chỗ. Nữ lãnh đạo của các công ty công nghệ khác (như Sheryl Sandberg của Facebook) trở nên nổi tiếng vì kỹ năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Ngược lại, người phụ nữ 57 tuổi này luôn né tránh truyền thông và rất ít khi chia sẻ về đời tư.

“Tôi chọn nhà hàng này vì nó rất thuận tiện. Vị trí của nhà hàng ở gần trung tâm máy tính mới của IBM. Chúng tôi đang phát triển trí tuệ nhân tạo ở đó. Tôi là người khá thực tế”, bà nói khi vừa ngồi xuống ghế.

Mở đầu câu chuyện, tôi đùa rằng mình cảm thấy khá hoảng hốt khi nghĩ đến bộ máy lãnh đạo cần thiết để điều hành tới 480.000 con người. Rometty cười một cách nồng hậu, và đột nhiên tôi cảm thấy bà sẽ dễ dàng chia sẻ những câu chuyện của mình.

Người phục vụ bàn đưa cho chúng tôi thực đơn. Cuối cùng Rometty chọn súp rau củ và salad cải xoăn, còn tôi chọn món phô mai ricotta cùng với cháo nấm.

Tôi hỏi bà về con đường trở thành CEO nữa đầu tiên của IBM. Rometty giải thích rằng bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Chicago và có cuộc sống hoàn toàn giống với những người bạn đồng trang lứa. Sau đó cuộc hôn nhân của bố mẹ bà đổ vỡ. Người mẹ - trước đó chỉ làm nội trợ - đột ngột bị đẩy ra đường mà không có thu nhập. Bà phải làm nhiều công việc khác nhau và tham gia lớp học buổi tối để lấy bằng đại học. Rometty là chị cả và có nhiệm vụ trông 3 đứa em vào buổi tối.

“Trước đó mẹ tôi chưa từng có một ngày làm việc nào, khi tôi 15 tuổi, mọi thứ giống như bà chợt bừng tỉnh và nhận thấy bản thân trong tình cảnh có 4 đứa con trong khi không tiền bạc, không việc làm. Nhưng cuối cùng bà đã xoay xở ổn thỏa và cả 4 chúng tôi đều ổn. Từ đó tôi học được rằng không có vấn đề nào là không thể giải quyết được”, bà chia sẻ.

“Bà ấy đã hi sinh mọi thứ mà không bao giờ phàn nàn”.

Thời niên thiếu, Rometty đã học được từ mẹ bà sự nghiêm túc trong công việc và quyết tâm sẽ phải thành công. Năm 1975, bà giành được học bổng (từ General Motors) và ghi danh tại ĐH Northwestern, nơi bà theo học ngành khoa học máy tính và điện tử. Năm 19 tuổi, bà gặp người chồng tương lai trong kỳ thực tập tại GM. 3 năm sau họ kết hôn.

Không có nhiều thông tin về Mark Anthony Rometty được công bố rộng rãi, ngoại trừ thông tin ông là một nhà đầu tư rót vốn vào các dự án dầu khí. Rometty chia sẻ bà có được người chồng luôn ủng hộ và thôi thúc bà tự tin trong công việc. “Ông ấy là tài sản rất lớn của tôi. Bạn cần đến một nguồn động viên lớn, cần đến người luôn thấu hiểu và hỗ trợ bạn bởi công việc của 1 CEO tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ông ấy luôn chia sẻ mọi công việc một cách công bằng, hình như tôi chưa bao giờ phải giặt quần áo hay là áo sơ mi cho ông ấy”, nữ CEO của IBM hào hứng chia sẻ.

Thu Hương

FT

Trở lên trên