MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anh bơm hơn 100 tỷ bảng vào hệ thống ngân hàng

15-06-2012 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ sẽ cung cấp khoảng 80 tỷ bảng bằng những khoản vay mới, còn BoE sẽ bơm mỗi tháng 5 tỷ bảng trong vòng 6 tháng nhằm tăng cường tính thanh khoản cho các ngân hàng.

Bộ Tài chính Anh và Ngân hàng Trung ương nước này (BoE) sẽ bơm hơn 100 tỷ bảng (khoảng 155 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để tăng cường khả năng tín dụng, tránh nguy cơ suy thoái do tác động tiêu cực của "bão" khủng hoảng nợ công từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 

BoE cũng có kế hoạch kích hoạt công cụ khẩn cấp nhằm duy trì khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Trong bài phát biểu hàng năm về chính sách với giới tài chính London hôm 14/6, Thống đốc BoE Mervyn King cho biết Chính phủ Anh sẽ triển khai kế hoạch cung cấp vốn dài hạn với lãi suất thấp cho các ngân hàng để khuyến khích hoạt động vay mượn của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Theo giới chức Bộ Tài chính Anh, chính phủ nước này sẽ cung cấp khoảng 80 tỷ bảng bằng những khoản vay mới, còn BoE, với kế hoạch riêng, sẽ bơm mỗi tháng 5 tỷ bảng trong vòng 6 tháng nhằm tăng cường tính thanh khoản cho các ngân hàng. Những khoản cho vay mới từ phía Chính phủ Anh và BoE có thời hạn từ 3-4 năm và lãi suất thấp hơn mức thị trường. Áp lực bơm thêm tiền cho nền kinh tế thông qua việc bán trái phiếu chính phủ đang gia tăng trong bối cảnh triển vọng kinh tế Anh ngày càng có dấu hiệu ảm đạm. Tuy nhiên, ông Kinh vẫn bác bỏ những đề nghị BoE mua lại tài sản của khu vực tư nhân.

Những tín hiệu xấu từ Eurozone đang gây ra tình trạng khủng hoảng niềm tin ở Anh, rằng nước này có thể tự mình làm u ám thêm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Cũng tham dự cuộc gặp kể trên, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne trấn an rằng nước này không bất lực trước "bão" khủng hoảng nợ. Theo ông "Đoàn kết lại, chúng ta sẽ xây bức tường lửa để bảo vệ nền kinh tế Anh ngay trước ngưỡng cửa của khủng hoảng."

Song song với tuyên bố bơm thêm tiền vào nền kinh tế, Chính phủ Anh cũng triển khai kế hoạch cải tổ khu vực ngân hàng nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn "bóng ma" khủng hoảng tài chính - vốn dĩ đã "ngốn" nhiều gói cứu trợ khổng lồ vào năm 2008, quay lại. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ tiêu tốn khoảng 7 tỷ bảng (10,9 tỷ USD) của ngành ngân hàng mỗi năm. 

Trong cuốn Sách Trắng, sẽ được cụ thể hóa bằng một dự luật vào mùa Thu này, Chính phủ Anh đưa ra nhiều yêu cầu đối với khu vực ngân hàng như: quan tâm tới hoạt động bán lẻ trên thị trường nội địa, dành ưu tiên hơn nữa cho người gửi, duy trì "vùng đệm" về vốn dự trữ - ít nhất là 17%, cao hơn bất cứ nước nào, trừ Thụy Sĩ. Giới phê bình chỉ trích rằng yêu cầu về "vùng đệm" vốn dự trữ có thể tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay, khiến quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm lại. 

Nhà phân tích Mike Trippitt ở Công ty chứng khoán Oriel Securities cho rằng đây hẳn nhiên là một kế hoạch mang tính chính trị nhằm đảm bảo tăng trưởng và cung cấp nguồn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

Chính phủ Anh công bố những biện pháp này ngay trước thời điểm Hy Lạp tổ chức bầu cử quốc hội lại vào ngày 17/6, mà có thể định đoạt tới việc Athens ra khỏi Eurozone, và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vào tuần tới nhằm tìm kiếm lối thoát cho khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Theo TTXVN

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên