MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba Lan phục hưng: Thoát khỏi "bóng ma quá khứ"

24-08-2014 - 17:25 PM | Tài chính quốc tế

Lịch sử cho thấy thời kỳ thịnh vượng khó có thể kéo dài ở Ba Lan. Ở thời điểm hiện tại, liệu nước này có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn của lịch sử?

“Tôi ổn” không phải là câu mà người Ba Lan hay nói. Theo Jacek Purchla, người đứng đầu Viện Văn hóa quốc tế ở Krakow, khoảng 80% người Ba Lan được hưởng lợi từ những đổi thay vừa qua của đất nước. 20% còn lại – gồm những người như cựu nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước bị giải thể - nghèo hơn so với thời kỳ trước. “Tuy nhiên nếu bạn hỏi người Ba Lan câu hỏi này, các câu trả lời sẽ tạo ra ấn tượng ngược lại”, Purchla nói.

Lịch sử đã khiến người Ba Lan bi quan và tự nghi ngờ về khả năng của bản thân. Suốt 500 năm qua, bất kỳ khi nào Ba Lan bước vào thời kỳ hòa bình và thịnh vượng, thời kỳ ấy sẽ có kết cục chẳng mấy sáng sủa và thường thì Ba Lan sẽ bị nước khác xâm lược. Giờ đây, thịnh vượng một lần nữa quay trở lại Ba Lan: kể từ năm 1989, nước này đạt được mức thu nhập và chất lượng cuộc sống cao nhất từ trước đến nay. Nền kinh tế Ba Lan cũng tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Ba Lan cũng đạt được vị thế quan trọng về mặt ngoại giao. Liệu điều này có thể kéo dài? 

Câu trả lời là có. Theo đánh giá khá lạc quan của chuyên gia kinh tế World Banl Marcin Piatkowski, các dự đoán dài hạn đều cho thấy Ba Lan sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Tây Âu ít nhất là cho tới năm 2030. OECD dự đoán GDP bình quân đầu người của Ba Lan sẽ tăng trưởng trung bình 2,6% mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2030. Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PWC) thì dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình đến năm 2050 đạt 2,5%.

Dẫu vậy, nếu Ba Lan muốn tiếp tục “tỏa sáng”, nước này sẽ phải tìm ra giải pháp cho một số vấn đề khá nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là Ba Lan không có đủ dân số để tiếp tục tiến lên. Tỷ lệ sinh hiện ở mức 1,3 trẻ/phụ nữ, thuộc loại thấp nhất thế giới. Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy họ không có đủ nguồn lực tài chính để nuôi thêm một đứa trẻ nữa, đồng thời ở Ba Lan có quá ít nhà trẻ. Ngược lại, tỷ lệ sinh của nhóm người Ba Lan ở Anh (là bộ phận cảm thấy an tâm hơn về mặt tài chính) là 2,1 – cao hơn cả tỷ lệ sinh của người Anh. 

Số người trong nhóm 19 – 24 tuổi ở Ba Lan được dự đoán sẽ giảm khoảng 27% trong giai đoạn 2012 – 2020. Và, trong 40 năm tới, lực lượng lao động sẽ giảm hơn 20%, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống lương hưu. 
Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ tỷ lệ sinh thấp mà còn bởi người Ba Lan (đặc biệt là người trẻ tuổi) vẫn tiếp tục di cư. Kể từ năm 2014, khoảng 2,1 triệu người đã ra nước ngoài (chủ yếu là các nước Tây Âu). Sau khủng hoảng tài chính, một số đã quay về nhưng họ lại bắt đầu tìm đường ra nước ngoài. Họ thường chấp nhận các công việc yêu cầu kỹ năng thấp hơn so với trình độ của họ ở Anh và Đức bởi không thể tìm được việc ở quê nhà. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Ba Lan là 26% - cao hơn mức trung bình 23% của EU. Các chủ sử dụng Ba Lan cũng thường đưa ra các hợp đồng không có bảo hiểm xã hội. 

Tuy nhiên, những người lạc quan cho rằng mức thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng lên sẽ làm giảm làn sóng di cư. Ngoại trưởng Sikorski lấy Ireland làm dẫn chứng cho lập luận này. 

Bên cạnh đó, người nhập cư vào Ba Lan từ các nước láng giềng như Ukraine, Moldova và Belarus hay thậm chí từ châu Phi và châu Á có thể là một giải pháp. Khoảng 600.000 người Ukraine hiện đang làm việc ở Ba Lan. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Ba Lan là một quốc gia khá bao dung và đa dạng về văn hóa, nơi người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1/3 dân số. Tuy nhiên, điều này thay đổi sau khi gần như toàn bộ người Ba Lan gốc Do Thái bị giết hại và biên giới của Ba Lan được vẽ lại. Cộng đồng người Do Thái lúc đó có khoảng 3,3 triệu người giờ đây chỉ còn khoảng 10.000. Hiện nay, chỉ có 1,8% dân số Ba Lan là người gốc nước ngoài, trong khi tỷ lệ trung bình của EU là 6,7%. 

Theo Witold Orlowski – chuyên gia kinh tế trưởng của PWC chi nhánh Warsaw, xã hội Ba Lan vẫn chưa sẵn sàng cho lượng lớn người nhập cư. Hiện tại, hệ thống chính trị của Ba Lan chưa tạo được điều kiện thuận lợi như ở Hungary. Tuy nhiên, một lượng lớn người nhập cư còn khá nghèo với nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể tạo nên thay đổi.

Giới trẻ Ba Lan tạo được ấn tượng tốt bởi tính năng động và hệ thống giáo dục trung cấp của nước này khá tốt. Trong nghiên cứu so sánh khả năng toán học, đọc và khoa học ở 15 nước khác nhau vừa được OECD thực hiện, Ba Lan xếp thứ 6 ở châu Âu và thứ 14 thế giới, đứng trên Mỹ, Pháp và Đức. Gần 60% nhóm 18 -24 tuổi học đại học mặc dù các trường của Ba Lan chưa có thứ hạng tốt trên thế giới. 

Về mặt chính trị, cải cách khó thực hiện nhất là giảm bớt sự bành trướng của khu vực công. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và dễ bị ảnh hưởng bởi các chính trị gia. Họ cũng tuyển dụng quá nhiều người và khó sa thải do vấp phải sự phản đối của công đoàn và các nhóm vận động hành lang. Ví dụ, trường ĐH Marie Curie – Sklodowska ở Lublin có tới 3.200 giảng viên nhưng chỉ một nửa trong số này tham gia công tác giảng dạy. Phần còn lại làm các công việc hành chính. 

Những “ngôi sao mới” trong khu vực tư nhân (thậm chí trong những ngành truyền thống như khai thác mỏ) có thể hoạt động tốt bởi họ được tự do vận hành. Lubelski Wegiel Bogdanka là mỏ than gần như đã đóng cửa cách đây 20 năm nhưng giờ đây đang hồi sinh dưới bàn tay tư nhân. Chi phí sản xuất 1 tấn than ở đây thấp hơn 40% so với một mỏ khác do nhà nước quản lý ở Silesia.

Quá trình cải cách khu vực nhà nước không thể được hoàn thành trong một sớm một chiều, cũng như thâm hụt dân số của Ba Lan không thể được bù đắp ngay lập tức. Tuy nhiên, trong 25 năm gần đây, Ba Lan đã làm tốt hơn so với dự báo. Do đó, hoàn toàn có thể tin rằng với một chút may mắn và nỗ lực không ngừng nghỉ, đất nước Ba Lan hòa bình và thịnh vượng sẽ trở thành điều thường thấy.

Hà My

huongnt

Nguồn Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên