Ba Lan: Từ sân chơi thành người chơi chính
Khi Ba Lan trở nên giàu có hơn và thành công hơn, vị thế của họ trên thế giới cũng được tăng cường. Ba Lan cũng tự tin hơn và mong muốn hội nhập sâu hơn.
- 10-08-2014Thời phục hưng của Ba Lan
Trong thế kỷ 20, Ba Lan từng đóng vai trò quan trọng trên chính trường thế giới một vài lần: năm 1920, khi đánh bại Hồng quân, năm 1939, khi nổ những phát súng đầu tiên của chiến tranh thế giới thứ hai với người Đức ở Gdansk và năm 1980 với phong trào Đoàn kết (Solidarity).
Tuy nhiên, phần lớn thế kỷ 20, Ba Lan chỉ là một “sân chơi” chứ không phải là một người chơi trên chính trường quốc tế. Phần lớn thời gian này, Ba Lan bị chiếm đóng bởi quân Áo, Đức, Nga và Xô Viết. Bởi vậy, khi giành được độc lập, điều đầu tiên mà Ba Lan làm là tập trung cải cách trong nước, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang tự do hóa thị trường và dân chủ hơn. Người Ba Lan lúc đó rất nghèo và nhiều người cho rằng hố sâu ngăn cách với phương Tây là không thể lấp đi được.
Mọi thứ thay đổi khi Ba Lan cùng với 9 nước khác gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/5/2004. Khi Ba Lan trở nên giàu có hơn và thành công hơn, vị thế của họ trên thế giới cũng được tăng cường. Ba Lan cũng tự tin hơn và mong muốn hội nhập sâu hơn. “10 năm sau khi gia nhập, người Ba Lan vẫn yêu mến EU và tin rằng chúng ta có thể cùng nhau làm bất cứ điều gì, mặc dù các thành viên Tây Âu vẫn đang chật vật đi qua khủng hoảng tuổi trung niên sau khi đã trải qua vài thập kỷ với EU”, Aleksander Kwansniewski – người có công đưa Ba Lan gia nhập EU – phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm gia nhập EU hôm 1/5 vừa qua.
Dù thuộc đảng phái nào, các chính trị gia Ba Lan đều ủng hộ vai trò là thành viên của EU và NATO. Có tới 89% dân số nói họ muốn Ba Lan thuộc về EU – tỷ lệ cao hơn khá nhiều so với số người bỏ phiếu “đồng ý” trong cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU năm 2003.
Khi Donald Tusk và đảng Diễn đàn công dân Civic Platform của ông lên nắm quyền năm 2007, chính sách đối ngoại của ba Lan trở nên thực dụng và thận trọng hơn, tập trung vào vai trò của Ba Lan ở EU và mối quan hệ với nước Đức. Kể cả quan hệ song phương với người láng giềng hùng mạnh là Nga cũng có lúc được cải thiện, cho tới khi khủng hoảng xảy ra ở Ukraine – quốc gia có biên giới với cả hai nước.
Theo Josef Janning, thành viên của cơ quan đối ngoại thuộc Ủy ban châu Âu EC, nội các của ông Tusk là chính quyền đầu tiên của Ba Lan tỏ rõ thái độ ủng hộ EU và Đức. Trước đó, Ba Lan thường hoài nghi về lợi ích của việc gia nhập EU. Năm nay (là năm trước thềm bầu cử), các chính trị gia của đảng cầm quyền trước đảng của ông Tusk cũng đã mềm mỏng hơn trong các tuyên bố về chính sách đối ngoại.
Bất chấp những “vết thương” trong quá khứ, ngày nay Đức và Ba Lan đã gắn bó với nhau nhờ những lợi ích chung về cả chính trị và kinh tế. Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan, và một lượng lớn máy móc của Đức được xuất khẩu sang Ba Lan. “Mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên”, Mitchell Orenstein, chuyên gia đến từ ĐH Harvard, nhận xét.
Quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng rất tốt đẹp. Ông Tusk đến từ Gdansk – vùng đất thuộc về Đức cho tới khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ông nói chuyện bằng tiếng Đức với bà Merkel. Trong khi đó, ông của bà Merkel là người Ba Lan.
Dẫu vậy, không phải lúc nào mối quan hệ Đức – Ba Lan cũng thuận buồm xuôi gió. Ba Lan chỉ trích sự phụ thuộc của người Đức vào khí đốt từ Nga, phản đối chính sách phi hạt nhân của Đức và gần đây nhất là sự im lặng của Đức trước thái độ của Nga ở Ukraine. Về phần mình, Đức muốn Ba Lan đưa ra cam kết rõ ràng hơn về việc gia nhập eurozone.
Các chính trị gia đối lập cho rằng ông Tusk đã bỏ quá nhiều công sức cải thiện mối quan hệ với Đức và Nga mà không chú ý tới những người láng giềng phía Đông, từ biển Baltic tới biển Đen. Họ lập luận rằng phương Tây sẽ thấy Ba Lan hữu dụng hơn nếu họ tập trung vào khu vực đó. Tuy nhiên, một số người trong đảng của ông Tusk chỉ ra rằng chính phủ Ba Lan là “lãnh đạo không chính thức” của Visegrad – một nhóm gồm cả Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Đồng thời, Ba Lan cũng là một trong những lực đẩy chính tạo nên Đối tác phương Đông – một sáng kiến của EU có mục đích đẩy mạnh quan hệ với Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova và Ukraine. Sáng kiến này bị gián đoạn vào năm ngoái, khi Ukraine không thông qua được hiệp định hợp tác với EU.
Thủ tướng và Ngoại trưởng Ba Lan đã cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Ví dụ, năm 2007, họ bãi bỏ sự phản đối mà đảng cầm quyền trước đó dựng lên nhằm cản trở Nga gia nhập OECD. Đáp lại, Nga dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Ba Lan. Quan hệ thương mại và trao đổi văn hóa được đẩy mạnh trong một thời gian. Thế nhưng mối quan hệ Nga – Ba Lan trong suốt 7 năm qua gặp không ít sóng gió.
Năm 2008, một diễn đàn được lập ra với sự tham dự của các nhà sử học và trí thức đến từ cả hai nước được thành lập để tăng cường đối thoại về những sự kiện trong mối quan hệ Nga – Ba Lan. Trong số các sự kiện được thảo luận có cuộc chiến tranh năm 1939 và đặc biệt là vụ thảm sát ở Katyn năm 1940 khiến hàng nghìn sĩ quan Ba Lan thiệt mạng. Năm 2010, hai nước nhất trí kỷ niệm chung 70 năm kể từ ngày diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, 3 ngày sau, chiếc máy bay chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski gặp tai nạn thảm khốc khi sắp hạ cánh xuống sân bay Smolensk, cách Mátxcơva khoảng 400 về phía tây.
Sự kiện lớn nhất ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai nước là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngay từ đầu, Ba Lan đã ủng hộ những lệnh cấm vận áp đặt lên Nga và việc tăng cường sự hiện diện của NATO.
Các sự kiện ở Ukraine đã khiến vị thế của Ba Lan ở EU và NATO được tăng cường. Cuối tháng 3 vừa qua, tuần báo Respekt của Czech chọn ảnh Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski làm ảnh trang bìa, với tựa đề “Novy Lidr Evropy” (lãnh đạo mới của châu Âu). Nền phía sau là bản đồ Trung Âu. Ông Sikorski cũng thường được nhắc đến như một người kế nhiệm của Catherine Ashton – người đang phụ trách chính sách đối ngoại của EU.
Trong khi có vẻ như EU và NATO đang suy nghĩ lại về chính sách bình thường hóa quan hệ với Đông Âu, Ba Lan lại đưa ra cảnh báo về sự cần thiết phải củng cố chính sách quốc phòng và tăng chi tiêu quốc phòng. Mấy năm gần đây, dường như Mỹ đã bỏ qua Ba Lan, đặc biệt là khi Tổng thống Obama bỏ qua ý tưởng về hệ thống lá chắn tên lửa tầm xa đặt ở Czech và Ba Lan.
Ba Lan cũng mếch lòng khi họ vẫn cần phải xin visa mới được vào Mỹ. Khi Tổng thống Obama tới thăm Ba Lan đầu tháng 6 vừa qua, ông thông báo kế hoạch chi thêm 1 tỷ USD để tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu. Đây là bước đi đúng với hướng đi của Ba Lan, nhưng thông báo này vẫn chưa thể thỏa mãn kỳ vọng của Ba Lan với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thu Hương